Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) vừa thực hiện ca phẫu thuật ghép gan đặc biệt cho một bệnh nhi sinh non bị suy gan giai đoạn cuối do teo đường mật bẩm sinh. Người tình nguyện cho gan chính là ông nội của bé.
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cứu sống bé sơ sinh. Ảnh: Thanh Niên |
Thông tin trên TTXVN, người được ghép gan là bé D.C.M, sinh tháng 2/2018, là con đầu lòng của vợ chồng chị N.C.T.T (32 tuổi) ngụ tại quận 3.
Vào khoảng 1 tháng 10 ngày sau sinh, khi bé đang được điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thì phát hiện thêm tình trạng vàng da ứ mật do bệnh teo đường mật bẩm sinh.
Dù bé đã được phẫu thuật Kasai (phương pháp điều trị tắc đường mật) để điều trị, nhưng tình trạng diễn tiến xấu, gia đình đã chuyển bé sang bệnh viện Nhi Đồng 2 để mong tìm một cơ hội sống cho bé.
Bé M. nhập viện tại bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 3/6 trong tình trạng viêm phổi nặng, suy gan giai đoạn cuối với biểu hiện suy hô hấp, báng bụng, vàng da nặng.
Tuy bé được các bác sĩ của khoa Tiêu hóa điều trị tích cực bằng nhiều loại kháng sinh mạnh cùng lúc nhưng không hiệu quả, hội đồng chuyên môn bệnh viện, với sự chỉ đạo của ban giám đốc bệnh viện và GS.BS.Trần Đông A đã chỉ định phải ghép gan khẩn cấp cho bé, nếu không bé có nguy cơ tử vong sớm.
Được biết, người cho tạng ban đầu được chọn lựa là bố ruột bé. Tuy nhiên, qua kiểm tra, phát hiện bố bị gan nhiễm mỡ, không phù hợp chỉ định cho gan. Người kế tiếp tình nguyện cho gan để cứu sống cháu chính là ông nội Dương Văn Lâm.
Ông Lâm cho hay, vì chưa từng trải qua cuộc phẫu thuật nào nên ban đầu ông cũng khá lo lắng, nhưng vì thương cháu nên ông đồng ý cho đi một phần lá gan. Điều đặc biệt, để gan được hồi phục tốt nhất trước khi tiến hành lấy gan, ông đã phải từ bỏ các thói quen sinh hoạt có hại hàng ngày như hút thuốc, uống rượu…
"Làm ông nội, thấy cháu mình thoi thóp vậy sao đành lòng làm ngơ. Dù rất sợ bệnh viện nhưng tôi phải cố gắng. Tôi hút thuốc và có sử dụng rượu bia cả mấy chục năm nay, cũng đã nhiều lần bỏ nhưng không được. Khi bác sĩ nói gan tôi có thể ghép được cho cháu, tôi đã cố gắng và bỏ được thói quen này", ông Lâm xúc động nói.
Ca ghép gan diễn ra ngày 18/6 và kéo dài 15 tiếng.
Theo các bác sĩ, dù có rất nhiều kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật ghép tạng, nhưng trong quá trình phẫu thuật, cả ê kíp phẫu thuật cũng phải tập trung cao độ do động mạch gan trái của người cho lại xuất phát từ động mạch của dạ dày và mạc nối nhỏ nên khi bóc tách phân thùy gan 2, 3 tương đối khó khăn.
Khi ghép phần gan mới cho bé M., tĩnh mạch cửa của bé lại không tương thích tĩnh mạch cửa của người ông nên ê kíp phẫu thuật phải lấy tĩnh mạch cảnh trái của bệnh nhi làm cầu nối. Nhờ vậy mạch máu không bị gập, mạch máu lưu thông tốt.
Liên quan đến sự việc, báo Thanh Niên cho hay, Sau ghép 2 tháng, bệnh nhi hồi phục tốt. Sức khỏe người cho tạng, ông nội bé, cũng ổn định và có sự tăng cân sau phẫu thuật.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện sẽ đẩy mạnh ghép tạng ở trẻ em vì vẫn còn nhiều trường hợp cần được ghép.
Hiện tại tạng ghép ở người cho sống còn tương đối khan hiếm, bệnh viện đã tham gia hệ thống ghép tạng quốc gia và đã triển khai ghép tạng từ người cho chết não để các bé có cơ hội được cứu sống nhiều hơn.
Thủy Tiên (T/h)