Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng tái nhợt với một con dao gọt trái cây đâm thấu vùng mũi ức gần ngập cán.
Người lao động đưa tin, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết các bác sĩ tại đây vừa cấp cứu thành công bệnh nhân V.V.N (33 tuổi, trú TP Hạ Long, Quảng Ninh) được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng tái nhợt với một con dao gọt trái cây đâm thấu vùng mũi ức gần ngập cán. Con dao cũng di động theo nhịp tim và bên cạnh là một vết thương tương tự khác chảy nhiều máu. Bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ chỉ ngay sau ít phút nhập viện.
Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện với con dao đâm vào bụng. Ảnh: Vnexpress |
Bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng Khoa Ngoại, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết con dao nhọn găm sâu vào bụng chỉ cách cán khoảng hơn 1cm. Qua phim chụp cắt lớp, bác sĩ xác định bệnh nhân bị dao đâm xuyên qua lá gan trái vào thành trước động mạch chủ bụng. Kíp mổ đã chuẩn bị các phương án về phẫu thuật mạch máu, gan mật cũng như dự trù mất máu cấp trong cuộc mổ, rút con dao ra ngoài an toàn và khâu phục hồi các tổn thương.
Bệnh nhân được mở bụng ở trên và dưới vùng dao đâm, khống chế đầy đủ các tổn thương mạch máu và gan trước khi rút con dao ra ngoài và được khâu phục hồi các tổn thương. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 tiếng.
Theo Vnexpress, bác sĩ Hùng cho biết vị trí chiếc dao cắm vào bụng bệnh nhân và vết thương bên cạnh đều nằm trong vùng gọi là tứ giác vết thương tim (bao gồm vùng ngực giữa hai núm vú và phần bụng trên).
"Rất may, cả hai nhát dao đều xuyên qua gan trái và chạm đến thành động mạch chủ bụng. Nếu lên cao hơn sẽ vào tim hoặc sâu một chút xuyên động mạch chủ bụng thì bệnh nhân nguy cơ cao tử vong ngoại viện", bác sĩ Hùng nói.
Theo bác sĩ Hùng, trường hợp bị vật đâm xuyên ngực hoặc bụng, cần băng cầm máu bên ngoài và cố định vật đâm rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý rút vật đâm ra khỏi cơ thể, vì có thể gây chảy máu cấp, nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ khuyến cáo không tự ý rút dị vật ra khỏi cơ thể trong trường hợp đâm xuyên ngực hoặc bụng. Ảnh: Người lao động. |
Sau 2 ngày phẫu thuật, sức khỏe phục hồi, bệnh nhân được rút ống dẫn lưu, ăn uống nói chuyện và đi lại được.
Minh Khôi (T/h)