Hai tuần trước, Phạm Quỳnh Trang (5 tuổi, quê Hải Dương) được gia đình đưa đi khám do có những biểu hiện bất thường như gọi mãi không thưa, nói chuyện với người đối diện bé thường mất tập trung và mãi một lúc mới phản ứng với lời nói của người đối diện. “Thậm chí, khi tôi đứng sát bên con nhưng gọi con cũng không hề có phản ứng. Lo lắng tai con có vấn đề, vì trước đó con cũng dùng đũa chọc vào tai, nên gia đình liền đưa con đi khám”, mẹ bé Quỳnh Trang chia sẻ.
Đưa con đi khám, Quỳnh Trang được các bác sĩ chẩn đoán mắc viêm tai giữa nặng, hai tai dịch mủ bít kín. Chính vì thế mới dẫn đến tình trạng trên. Theo bác sĩ, chỉ cần gia đình đưa đi khám muộn thêm vài ngày, tình trạng của bé sẽ gây ra biến chứng phức tạp.
Theo chia sẻ từ người nhà, vào đầu tháng 7, gia đình có cho bé và anh trai bé tập bơi trong ao của nhà. Trong lúc tập bé có ngụp lặn vài lần. "Nước trong ao không được sạch sẽ, thêm nữa khi con tắm xong tôi cũng không vệ sinh cẩn thận cho con. Có lẽ vì thế con mới bị viêm tai giữa", mẹ bé Quỳnh Trang cho hay.
Đi bơi khiến trẻ dễ mắc viêm tai giữa
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt cho biết, viêm tai giữa là bệnh lý gặp ở rất nhiều trẻ nhỏ. Thời tiết nóng bức, các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ em gia tăng đáng kể. Rất nhiều trẻ bị các bệnh như viêm amidan, viêm mũi họng và đặc biệt là viêm tai giữa.
“Vào mùa hè, tỷ lệ trẻ mắc viêm tai giữa còn cao hơn nhiều so với những thời điểm khác do trẻ thường đi bơi”, PGS Hoài An nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, viêm tai giữa là một trong những bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nghiên cứu cho thấy có đến 70% trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có ít nhất một đợt viêm tai giữa cấp tính. Triệu chứng phổ biến là đau tai và thường có đi kèm các triệu chứng toàn thân. Nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, có thể sẽ gây biến chứng mất thính lực. Bệnh được chẩn đoán dựa trên soi tai.
Ngoài ra ở trẻ nhỏ, viêm tai giữa thường phát sinh sau những đợt viêm mũi họng, có thể gây ra tình trạng bội nhiễm, tạo dịch mủ trong tai giữa.
Viêm tai giữa ban đầu là thể cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời, lâu ngày sẽ làm tổn thương niêm mạc tai và trở thành viêm tai giữa mạn tính.
"Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, nói không rõ âm/từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh... làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.
Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do viêm tai, viêm tắc tĩnh mạch bên do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt", PGS Hoài An cho hay.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An
Một số triệu chứng của viêm tai giữa có thể kể đến gồm:
- Đau trong tai và nhiều khi đau rất nặng.
- Giảm khả năng nghe, cảm giác ù tai, nặng tai khó chịu.
- Người bệnh bị sốt, trẻ nhỏ có thể bị sốt cao trên 39 độ C.
- Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, khó ăn uống, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, khó ngủ…
- Chảy mủ trong tai.
PGS Hoài An nhấn mạnh, viêm tai giữa cấp có thể tái diễn nhiều lần nếu không được điều trị đúng phác đồ, quy trình.
"Trẻ em nếu có biểu hiện bất kỳ liên quan đến viêm tai giữa, cha mẹ cần đưa trẻ thăm khám đúng bác sĩ chuyên khoa và tại các cơ sở y tế uy tín để có phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài ra, phụ huynh không được tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh nếu chưa có đơn của bác sĩ và không tự chữa bằng những cách truyền miệng. Thêm nữa, phụ huynh cũng cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ tốt để tăng sức đề kháng và nhanh phục hồi trong quá trình điều trị", PSG Hoài An lưu ý.