Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bé 6 tuổi gặp biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Bệnh nhi được gia đình đưa đi khám do có biểu hiện uống nhiều nước, thèm nước ngọt, tiểu nhiều lần trong ngày, sụt cân, mệt mỏi và đau họng.

Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết các bác sĩ khoa Nhi vừa kịp thời cấp cứu bệnh nhi N.D.T (6 tuổi, trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị toan ceton nặng nề do đái tháo đường.

Trước đó, bệnh nhi có biểu hiện uống nhiều nước, thèm nước ngọt, tiểu nhiều lần trong ngày, sụt cân, mệt mỏi, đau họng. Vì thế, gia đình đã đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám.

Trong lúc đang thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, bác sĩ đột nhiên phát hiện bệnh nhi có biểu hiện lơ mớ, thở nhanh sâu, dấu hiệu mất nước nặng, chỉ số test đường máu nhanh bé tăng rất cao (28,8 mmol/L) so với ngưỡng bình thường.

Xét nghiệm, chẩn đoán cho thấy bệnh nhi mắc bệnh lý toan ceton do đái tháo đường, viêm amydal cấp mủ. Bệnh nhi được điều trị cấp cứu tích cực bằng bù dịch, nhịn ăn, kiểm soát đường huyết bằng duy trì insulin, kháng sinh, cân bằng điện giải. Sau gần 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi thoát nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng, sức khỏe dần hồi phục.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhi. Ảnh: Người Lao Động

Được biết, nhiễm toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể người bệnh sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton). Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hóa protid, lipid và carbohydrate.

Báo Pháp Luật Việt Nam dẫn lời bác sĩ Trần Văn San – Phó Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy cho hay, nhiễm toan ceton do bệnh tiểu đường bao gồm các rối loạn sinh hóa nguy hiểm là tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải.

Trẻ nhỏ khi bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não, shock giảm thể tích do mất nước, thậm chí tử vong, cần phải được điều trị tích cực, kịp thời bằng truyền dịch, insulin và điều chỉnh các rối loạn điện giải cùng các yếu tố nguy cơ.

Nhân trường hợp bệnh nhi nói trên, bác sĩ khuyến cáo nếu thấy trẻ có triệu chứng ăn nhiều, uống nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân, bố mẹ và người chăm sóc cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh lý tiểu đường ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bổ sung năng lượng cho trẻ hợp lý, hạn chế đồ ngọt, đồ ăn nhanh, tránh tình trạng thừa cân, béo phì…

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật