VTC News thông tin, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ vừa cấp cứu bệnh nhi 13 tháng tuổi ở Sơn Dương (Tuyên Quang). Người nhà cho biết bệnh nhi bị chó cắn vào vùng mặt khi sang nhà hàng xóm chơi.
Sau tai nạn, bệnh nhi có vết thương vùng cánh mũi trái khoảng 1,5 cm, chảy máu vùng cằm và môi trên. Bé đau, quấy khóc nên gia đình đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.
Tại đây, các bác sĩ đã sơ cứu cầm máu, hướng dẫn đưa bệnh nhi sang phòng khám tiêm chủng của bệnh viện để tiêm vaccine phòng bệnh dại, sau đó gây mê làm thủ thuật khâu vết thương. Rất may không có tổn thương nghiêm trọng, sức khỏe bệnh nhi hiện ổn định.
Bác sĩ cảnh báo bệnh dại khi bị chó cắn. Virus dại thường lây sang người qua vết cắn, nhiều nhất là do chó và mèo cắn, ngoài ra còn có chồn, dơi, gấu, chuột, sóc, chó rừng… Người nhiễm virus dại sẽ lên cơ dại và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Bệnh nhi có vết thương vùng cánh mũi trái khoảng 1,5 cm, chảy máu vùng cằm và môi trên sau khi bị chó cắn khi sang hàng xóm chơi. Ảnh minh họa
VietNamNet dẫn lời khuyến cáo của bác sĩ cho biết các gia đình cần nuôi nhốt và rọ mõm chó, mèo, không thả rông. Bên cạnh đó, cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Những gia đình có trẻ nhỏ cần để con chơi trong khu vực an toàn, tránh xa các vật nuôi có thể làm tổn thương trẻ.
Xử trí khi bị chó cắn bằng cách làm sạch và sát trùng vết thương: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy bằng xà phòng diệt khuẩn trong 10-15 phút để loại bỏ tất cả mầm bệnh, rửa nhẹ nhàng không chà xát mạnh. Sau đó, sát trùng vết thương bằng cồn 70 độ, oxy già hoặc dung dịch Povidone iodine 10% nếu có.
Nếu vết thương chảy máu không nhiều sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương không nên cầm máu, chỉ cầm khi sau 10-15 phút mà máu vẫn tiếp tục chảy. Thời điểm này nên đặt lên vết thương miếng gạc y tế và băng lại.
Trong trường hợp vết thương sâu và ra nhiều máu, máu, máu phun thành tia, có thể dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Tiếp đó, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.
Lưu ý, không nên cho các chất kích thích vào vết thương như đất, dầu hỏa, đắp thuốc lào, lá trầu không, ngoài ra không tự khâu vết thương; đốt vết thương; thử dại; điều trị thuốc nam. Đặc biệt, không nên tức giận quá mức mà đánh chết vật nuôi, chó, mèo cắn.
Đinh Kim (T/h)