Ván cờ tiếp tục
Ngày 17/9, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã nhanh chóng trở lại tiếp tục lịch trình vận động tranh cử dù chỉ vừa thoát khỏi âm mưu ám sát bất thành tại Florida.
Ông Trump dự kiến sẽ tới bang Michigan vận động trong 2 ngày. Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris- ứng cử viên của đảng Dân chủ, cũng có chuyến đi tới bang “chiến địa” Pennsylvania.
Lịch trình “song đấu” của ông Trump ở Michigan và bà Harris ở Pennsylvania diễn ra khi cả 2 ứng cử viên đều hướng các nỗ lực vận động đến các bang quan trọng nhất để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Theo kết quả cuộc thăm dò từ Đại học Suffolk và USA Today, bà Harris đang có lợi thế hẹp so với ông Trump ở tại bang Pennsylvania (46% so với 49%), trong đó phần lớn là nhờ sự ủng hộ của các cử tri nữ. Tuy nhiên, lợi thế này vẫn nằm trong biên độ sai số và cuộc bám đuổi của hai ứng cử viên nói chung vẫn rất sít sao.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN
Cuộc bầu cử có bị ảnh hưởng bởi vụ ám sát hụt?
Như đã đưa tin, ngày 15/9, cựu Tổng thống Donald Trump đã được các mật vụ hộ tống thoát khỏi một vụ ám sát trên sân golf của ông ở Florida, khi một tay súng nã nhiều phát súng về phía ứng cử viên đảng Cộng hòa. Các quan chức an ninh tin rằng nghi phạm đã hành động một mình.
Theo đó, chỉ trong vòng 2 tháng, nước Mỹ đã trải qua 2 sự cố và cả 2 đều nhằm vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Điều này cho thấy tình trạng bạo lực súng đạn đáng báo động ở Mỹ, đặc biệt trước thềm các cuộc bầu cử.
Những chi tiết về vụ ám sát hụt, đặc biệt là danh tính và động cơ của kẻ tấn công, dù thế nào cũng sẽ tác động đối với nền chính trị Mỹ. Tuy nhiên, trong tuyên bố đầu tiên sau sự cố ở sân golf, ông Trump đã cam kết rằng không điều gì có thể làm chậm bước hoặc khiến ông đầu hàng.
Theo RBC, chuyên gia Hội đồng về các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) Alexey Naumov nhận định, vụ ám sát lần hai diễn ra trong bối cảnh chiến dịch tranh cử của ứng viên Đảng Cộng hòa chững lại. Tại cuộc tranh luận trực tiếp giữa 2 ứng viên vào đêm ngày 10/9 (theo giờ địa phương), Phó Tổng thống Kamala Harris đã kiểm soát cuộc tranh luận và liên tục công kích để ông Trump bộc lộ điểm yếu trong gần như toàn bộ 2 giờ của cuộc tranh luận.
Màn thể hiện của bà Harris có thể coi là thành công với Đảng Dân chủ khi bà đã không để thua trên mặt trận được cho là “sở trường” của ông Trump.
Tuy nhiên, trái ngược với lần ám sát đầu tiên, vốn giúp ông Trump tăng sự ủng hộ nhờ hình ảnh kiên cường, vụ việc lần này không thu hút nhiều sự chú ý trong các cuộc tranh luận và thăm dò.
Diễn biến của 2 vụ ám sát khác nhau rất nhiều. Vào tháng 7, ông Trump thực sự đã bị thương, cuộc biểu tình được truyền hình trực tiếp và nhiều người đã nhìn thấy ông rời sân khấu, cùng với các nhân viên mật vụ, với nắm đấm giơ cao, kêu gọi những người ủng hộ “Chiến đấu!”. Lần này không có người bị thương, và cử tri Mỹ chỉ nghe thấy một ngôn từ khá mờ nhạt: “Có một vụ nổ súng gần cựu Tổng thống Donald Trump”.
Chuyên gia Alexey Naumov nhận định, vụ ám sát hụt sẽ “cung cấp thêm đạn dược cho các nhà tuyên truyền hoạt động của Đảng Cộng hòa” nhưng sẽ ít ảnh hưởng đến xếp hạng ứng cử viên của đảng này.
Ông Trump đang trong cuộc đua ở thế cân bằng. Ảnh minh họa
Giờ đây, chỉ còn 7 tuần nữa là đến ngày bầu cử tổng thống năm 2024 và cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Cả hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 – Donald Trump và Kamala Harris – đều đang tìm cách giành sự ủng hộ của những cử tri chưa quyết định tại các bang dao động. Việc Donald Trump là mục tiêu của hai vụ ám sát hụt trong vòng hơn hai tháng có thể làm tăng sự chú ý của truyền thông và công chúng đối với ông, nhưng cũng có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước.
Cụ thể, một nỗ lực ám sát nhắm vào một ứng cử viên tổng thống thường tạo ra sự đồng cảm từ phía cử tri, nhưng điều này không phải lúc nào cũng chuyển hóa thành sự ủng hộ chính trị kéo dài. Trong trường hợp của cựu Tổng thống Trump, ông đã sử dụng sự kiện này để củng cố tuyên bố rằng mình là mục tiêu của một âm mưu lớn nhằm ngăn cản sự trở lại của ông vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, việc ông thường xuyên gây ra chia rẽ trong xã hội Mỹ khiến cho không dễ dàng để giành được lòng tin từ những cử tri còn đang do dự.
Cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang ở thế cân bằng và sẽ phụ thuộc vào việc các ứng cử viên có thể thuyết phục cử tri tại các bang chiến trường trong những tuần cuối cùng của chiến dịch hay không.
Đáng chú ý, những nỗ lực ám sát nhằm vào ông Trump còn phản ánh việc bạo lực ngầm đã len lỏi vào chính trị Mỹ, khi cường độ xung đột giữa các phe phái tăng cao. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của nền dân chủ Mỹ, đặc biệt khi bạo lực trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc bầu cử.