Washington Post hồi tháng 9 đưa tin, các nhóm Dân chủ quốc gia và các ủy ban hành động chính trị (PAC) đã chi hàng chục triệu USD ở ít nhất 7 bang để tài trợ các đảng viên Cộng hòa, những người có quan điểm cực đoan về quyền phá thai và ủng hộ những tuyên bố thiếu căn cứ của cựu Tổng thống Donald Trump về cuộc bầu cử năm 2020, trở thành ứng viên trong các cuộc bầu cử chính thức.
Mặc dù cả 2 đảng chạy đua sát nút trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 nhưng kết quả đến thời điểm hiện tại được đánh giá là tương đối tốt so với kỳ vọng của đảng Dân chủ. Trong đó, đảng Dân chủ đã bảo toàn được quyền kiểm soát Thượng viện. Tại Hạ viện, dù đảng Cộng hòa trên đà dẫn trước và được dự đoán sẽ giành thế đa số, khoảng chênh lệch giữa 2 đảng vẫn nhỏ hơn nhiều so với dự đoán trước đây.
Theo Vox, kết quả này đạt được một phần nhờ vào chiến dịch tài trợ đầy rủi ro của đảng Dân chủ trong dành cho các ứng viên Cộng hòa cực đoan trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Chiến thuật 3 điểm
Vào tháng 9, tờ Washington Post đã đưa tin về việc các nhóm Dân chủ tài trợ cho những ứng viên có phần cực đoan của đảng Cộng hòa thay cho những ứng viên ôn hòa trong cuộc bầu cử sơ bộ. Theo ước tính khi đó, ban lãnh đạo đảng và các tổ chức bên ngoài đã chi gần 19 triệu USD cho tổng cộng 12 cuộc bầu cử, bao gồm 5 cuộc bầu cử sơ bộ tranh quyền đại diện đảng, 2 cuộc đua Thượng viện và 5 cuộc đua vào cơ quan lập pháp Mỹ.
Trong cuộc đua tại Illinois, Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker đã bỏ 9,5 triệu USD tiền túi, kết hợp với khoảng 25 triệu USD từ Hiệp hội các thống đốc đảng Dân chủ, để ủng hộ Darren Bailey, một thượng nghị sĩ cực hữu của bang, được ông Trump tán thành, trong cuộc đua chính thức. Kết quả, ông Pritzker đã giành chiến thắng trong cuộc đua, dẫn trước ông Bailey 11 điểm và bảo toàn nhiệm kỳ thứ 2 của mình.
Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker. Ảnh: Politico
Theo phân tích của Washington Post, chiến thuật của đảng Dân chủ gồm 3 điểm chính. Đầu tiên, họ tăng cường quảng bá, gắn hình ảnh ứng viên cực đoan với cựu Tổng thống Trump và phong trào MAGA (Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ông ấy, với hy vọng cử tri Cộng hòa sẽ đề cử những ứng viên cực đoan này tham gia cuộc đua chính thức. Đồng thời, đảng Dân chủ công kích những ứng viên Cộng hòa có phần ôn hòa hơn. Cuối cùng, họ xây dựng hình ảnh ứng viên cực đoan của đảng Cộng hòa là "quá bảo thủ" trong các cuộc đua chính thức.
Cả 3 điểm này nhìn chung giống như một hình thức công kích bằng truyền thông và được cho là giúp đảng Dân chủ dễ giành được chiến thắng hơn khi họ chạy đua với những ứng viên cực đoan của đảng Cộng hòa. Trong đó, nhóm cử tri mà đảng Dân chủ hướng tới là cử tri dao động, những người không chấp nhận những quan điểm cực đoan như về vấn đề phá thai và sẽ bỏ phiều cho ứng viên Dân chủ.
Đây không phải là một chiến lược mới, cựu Thượng nghị sĩ Missouri Claire McCaskill đã sử dụng chiến lược này trong cuộc đua năm 2012 và đạt được kết quả thắng lợi. Bà đã quảng bá hình ảnh đối thủ khi ấy của mình là cựu Hạ nghị sĩ Todd Akin, người "quá bảo thủ". Cụ thể, bà McCaskill đã tập trung vào những nhận xét của ông Akin nói rằng cựu Tổng thống Barack Obama là "mối đe dọa đối với nền văn minh".
Cựu Thượng nghị sĩ Missouri Claire McCaskill. Ảnh: ABC
Năm đó, ông Akin đã dễ dàng dành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ và trở thành ứng viên đại diện đảng tranh cử trong cuộc đua chính thức vào năm 2012. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ông nhanh chóng vấp phải thất bại do những quan điểm cực đoan về quyền phá thai.
Christie Roberts, giám đốc điều hành của Ủy ban Chiến dịch Thượng viện Dân chủ, chia sẻ: "Về mặt lý thuyết, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định đây sẽ là cuộc bầu cử đầy khó khăn của chúng tôi. Chúng tôi cần làm mất hoàn toàn uy tín của đối thủ và loại bỏ họ trong cuộc đua".
"Canh bạc lớn" của đảng Dân chủ
Chiến thuật kể trên được coi là một "canh bạc lớn" của đảng Dân chủ. Đến thời điểm hiện tại, đảng Dân chủ đã đạt được nhiều thành công hơn dự kiến trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và ngăn chặn được "làn sóng đỏ" từ đảng Cộng hòa nhưng rủi ro là rất lớn.
Thực tế, đảng Dân chủ đã mất khoảng 12 triệu USD tài trợ cho 7 ứng viên cực đoan của đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử sơ bộ nhưng không thu về kết quả như ý. Dù phải đối mặt với những đối thủ ôn hòa hơn từ đảng Cộng hòa ở 7 cuộc đua này, đảng Dân chủ vẫn giành chiến thắng tại 3 cuộc đua và đang dẫn trước ở cuộc đua thứ 4.
Tuy nhiên, chiến thuật này được cho là sẽ đem lại nhiều rủi ro với nền dân chủ. Vox nhận định, ngay cả khi các cử tri không bỏ phiếu cho những ứng viên cực đoan nhưng việc đưa họ lên cuộc bầu cử tầm quốc gia sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác.
Chiến thuật của đảng Dân chủ đã mang về nhiều thành công trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Ảnh: Reuters
Vào tháng 8, cựu Hạ nghị sĩ Tim Roemer từ bang Indiana đã cùng 34 đồng nghiệp viết một bức thư bày tỏ lo ngại của mình. Trong đó, ông Roemer viết: "Chiến thuật này có nguy cơ nâng tầm vị trí cho những người cực đoan này và cho họ một nền tảng trong 3-4 tháng nữa để lan truyền thông điệp của họ đến cử tri và gây ảnh hương tới niềm tin của mọi người".
Ông nhấn mạnh trong bối cảnh đảng Dân chủ muốn tranh cử để bảo vệ nền dân chủ cũng như các giá trị Mỹ, việc ủng hộ những ứng viên cực đoan Cộng hòa là không cần thiết.
Trong khi đó, ông Easton, phó giám đốc Battle Born Collective, một nhóm cố vấn của đảng Dân chủ, cảnh báo đảng Dân chủ không nên dựa quá nhiều vào chiến lược này. Ông cho rằng số tiền của đảng Dân chủ có thể được sử dụng tốt hơn thay vì vận động cho các ứng viên cực hữu của đảng Cộng hòa. Ngoài ra, việc ủng hộ cho các ứng viên cực đoan cũng được cho là đi ngược lại lập luận của đảng Dân chủ.
Ông Easton nói: "Với tư cách là một đảng viên Dân chủ, tôi rất vui vì canh bạc này đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, nó lại làm suy yếu các lập luận của chúng tôi về mối đe dọa với nền dân chủ khi chúng tôi bỏ hàng triệu USD để ủng hộ những người thù địch với nền dân chủ".
Minh Hạnh (Theo Vox)