Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bất thường những gói thầu tiền tỷ tại Bắc Giang – Bài 2: Đâu là giá trị thực?

(DS&PL) -

"Máy này (Model 6600 – PV) anh chỉ bán khoảng 300 triệu, nhưng dự án nhà thầu toàn làm lên tới tỷ mốt (1,1 tỷ).

"Máy này (Model 6600 – PV) anh chỉ bán khoảng 300 triệu, nhưng dự án nhà thầu toàn làm lên tới tỷ mốt (1,1 tỷ). Còn với dòng DS có khử khuẩn giá 1,7 tỷ thì họ làm phải 5 tỷ”, ông Chinh – Công ty TNHH MTV Hà Châu cho biết.

Kể từ khi Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về việc cung cấp, đăng tải thông tin đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, cũng như việc quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu… thì quy trình đấu thầu ngày càng được công khai và minh bạch.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả lựa chọn nhà thầu trên Mạng đấu thầu quốc gia khiến không ít người không khỏi băn khoăn trước những kết quả đấu thầu hết sức “lạ lùng”. Đơn cử như loạt gói thầu mua sắm thiết bị y tế (TBYT) tại Bắc Giang. Nhiều gói thầu tiền tỷ nhưng mức tiết kiệm cho ngân sách chỉ tính bằng vài triệu đồng; hay máy móc có nguồn gốc xuất xứ, model tương đương nhưng "đội giá" cao gấp 3 lần so với cùng một đơn vị công khác.

Những vấn đề này đã được tạp chí Đời sống và Pháp luật phản ánh trong kỳ I “Bắc Giang: Bất thường từ những gói thầu tiền tỷ”.

Máy xử lý nước RO Model 6600 có giá trúng thầu 1,148 tỷ đồng tại TTYT huyện Sơn Động, TTYT huyện Lục Nam.

Cùng một thiết bị chênh giá hơn 2 lần, đâu là giá trị thực?

Như phản ánh tại kỳ I, tại Bắc Giang, hàng loạt gói thầu mua sắm TBYT có nhiều dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn, Hệ thống xử lý nước RO, xuất xứ HCOM (Việt Nam), Model: 6600 được TTYT huyện Sơn Động, TTYT huyện Lục Nam mua sắm với giá gần 1,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng mẫu mã và model nhưng TTYT huyện Lương Tài (Bắc Ninh) lại mua với giá 490 triệu đồng.

Liên danh Công ty Phan Anh - Công ty TNHH Vinamedi Việt Nam và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Thương mại Hà Phương là 2 đơn vị đã trúng thầu ở Sơn Động, Lục Nam. Trong đó, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ bảo vệ HKC làm đơn vị tư vấn.

Để tìm hiểu “đâu là giá trị thực”, trong vai nhà thầu có nhu cầu mua sắm Hệ thống xử lý nước RO dùng cho máy chạy thận nhân tạo, nhóm PV Đời sống và Pháp luật đã trực tiếp gặp “cha đẻ” của máy lọc nước mang thương hiệu HCOM (Sản xuất bởi Công ty TNHH MTV Hà Châu) – ông Nguyễn Mạnh Chinh, ở thôn Đào Xá, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Trụ sở cũng là nơi sản xuất của Công ty TNHH MTV Hà Châu.

Trong căn nhà vừa làm nơi sinh hoạt của gia đình vừa là nơi tiếp khách, ông Chinh bộc bạch về tình trạng đấu thầu: “Anh chỉ bán với giá nhà sản xuất thôi, cái máy thường (Model 6600 – PV) vẫn bán được giá cao. Máy này bán khoảng 300 triệu, nhưng dự án nhà thầu toàn làm lên tới tỷ mốt (1,1 tỷ-PV). Còn với dòng DS có khử khuẩn giá 1,7 tỷ thì họ làm phải 5 tỷ”.

Chiếc máy được nhiều nhà thầu nâng giá gấp nhiều lần


Ông Chinh giải thích thêm: Xưởng của ông chỉ sản xuất vài mã máy với các số Series khác nhau dựa trên công suất. Đối với máy Model 6600 lắp tại TTYT huyện Sơn Động và TTYT huyện Lục Nam không khác gì chiếc máy ông đã từng lắp tại TTYT huyện Lương Tài. Duy chỉ khác một chút về mặt công suất nên giá tăng lên khoảng vài chục triệu đồng. “Máy RO Model 6600 thường vẫn được nhiều đơn vị mua về sử dụng cho mục đích chạy thận nhân tạo, ông Chinh nói.

Để chứng minh việc tự sản xuất, ông Chinh niềm nở mời PV thăm quan xưởng sản xuất và “khoe” chiếc máy chuẩn bị lắp cho TTYT huyện Lục Nam: “Cái máy ở TTYT huyện Sơn Động cũng giống cái này, ban đầu giá là 400 triệu nhưng nhà thầu bảo lắp thêm cái bình than để tặng cho bệnh viện thì thêm hơn hai chục triệu nữa,...nhà thầu ấy là Vinamedi”.

Có thể thấy, giá “gốc” Hệ thống xử lý nước RO, xuất xứ HCOM (Việt Nam), Model: 6600 so với giá thực tế mà TTYT huyện Sơn Động, TTYT huyện Lục Nam mua sắm chênh lệch lên tới gần 660 triệu đồng.

Dấu hỏi về chất lượng máy lọc nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo

Tại khu vực mà ông Chinh giới thiệu là xưởng sản xuất máy lọc nước RO nhưng quy mô chỉ ngang cỡ một xưởng cơ khí cỡ nhỏ, với vật dụng bừa bãi. Tuy nhiên, theo lời ông Chinh thì công ty của mình (Công ty TNHH MTV Hà Châu) có đầy đủ chứng nhận ISO 9001:2015 và ISO 13485:2016.

Tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế cũng cho thấy, công ty Hà Châu có văn bản công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị Y tế ngày 31/10/2017. Người đại diện hợp pháp của cơ sở sản xuất là bà Nguyễn Thị Thoan (Vợ ông Chinh) và người phụ trách chuyên môn là ông Nguyễn Hữu Hùng với các trang thiết bị y tế: Máy rửa lọc các loại, Bồn rửa quả lọc và dây máu, Hệ thống xử lý nước RO.


Xưởng sản xuất ngổn ngang thiết bị này của Công ty Hà Châu đạt tiêu chuẩn sản xuất thiết bị y tế?

Quả thực, theo thông tin mà PV có được, Công ty Hà Châu được cấp chứng chỉ ISO 9001:2015 với số chứng chỉ 150202.QMS.TCN18 ngày 03/04/2018 bởi Công ty cổ phần chứng nhận Quốc tế do ông Nguyễn Thanh Tùng là giám đốc ký. Chứng chỉ ISO 23465:2016 được cấp bởi một Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng.

Chứng chỉ ISO 9001:2015 cấp cho Công ty Hà Châu

Tuy nhiên, với quy mô nhà xưởng, cơ sở vật chất và cách vận hành của Công ty Hà Châu thì thật khó để tin đây là một đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế được cấp chứng chỉ quản lý chất lượng ISO 9001:2016 và ISO 23465:2016. Phải chăng quy trình cấp phép quá dễ dãi khiến cho công ty này có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ tham gia sản xuất, mua bán trang thiết bị y tế?

Và, chất lượng máy móc mua sắm tại các cơ sở Y tế ở Bắc Giang có đạt yêu cầu như trong “giấy tờ”? Có khá nhiều vấn đề liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị Y tế tại các cơ sở y tế tỉnh Bắc Giang cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đấu thầu cần phải được làm sáng tỏ.

Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này tại kỳ tiếp theo.

Nhóm PV



Tin nổi bật