Công an tỉnh Kon Tum vừa bắt quả tang một cơ sở ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum có hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, để nhúng chín sầu riêng.
Theo Tri thức trực tuyến đưa tin, trong khoảng gần 2 tấn sầu riêng, lực lượng chức năng đã phát hiện có hơn 1,2 tấn được nhúng hóa chất thúc chín hoa quả.
Theo một lãnh đạo Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, toàn bộ số hàng được vận chuyển từ tỉnh Gia Lai qua và đang được chủ cơ sở nhúng hóa chất để vận chuyển ra Hà Nội.
Sầu riêng đã được nhúng qua hóa chất làm chín tại cơ sở của bà Tuyết. Ảnh: Nguyễn Nhật. |
Vụ việc do Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kon Tum, phát hiện ngày 11/9. Chủ cơ sở trên là bà Trần Thị Tuyết (38 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Đồng, TP Kon Tum, Kon Tum).
Với hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, để nhúng chín sầu riêng, lực lượng chức năng đã tại chỗ lập biên bản, tạm giữ 4 chai hóa chất màu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ và một thùng nhựa khoảng 20 lít đựng hóa chất để nhúng sầu riêng.
Hiện cơ quan công an đang điều tra tiếp để làm rõ vụ việc.
Thế là chỉ vừa 1 tháng sau vụ công an bắt hàng trăm kg bơ ngâm hóa chất thúc quả chín ở một cở sở nằm ở tỉnh Đồng Tháp, người ta lại phát hiện ra thêm một vụ tư nhân tự ý dùng hóa chất ngâm sầu riêng. Dư luận người tiêu dùng đang hoang mang không biết đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt.
Chúng ta vẫn luôn kêu gọi phát triển xuất khẩu hoa quả Việt Nam, nhưng nếu ngay chính người Việt cũng không yên tâm tiệu thụ do chính mình trồng thì liệu với những thị trường khắt khe như Âu, Mỹ, Úc... thì trái cây Việt Nam có chui lọt không.
Câu hỏi đặt ra là tình trạng này cứ liên tục tiếp diễn, phải chăng mức hình phạt cho những vi phạm này chưa đủ mức răn đe?
Ngày 3/9, ông Lại Thế Hưng - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng - cho biết đã xác định loại phân bón lá HPC-97HXN được dùng thúc chín sầu riêng là hóa chất nằm trong danh mục cấm dùng cho bảo quản nông sản và thực phẩm, chỉ được dùng trong trồng trọt. Ông Hưng nêu trong HPC-97HXN có những hợp chất có khả năng làm chín trái cây được phép sử dụng. Tuy nhiên, trong phân bón lá có nhiều chất và kim loại nặng chỉ phù hợp làm lá cây xanh tốt và rất độc khi thấm vào trái cây đã thu hoạch, sau đó vào cơ thể người. “Do đó, dùng phân bón lá pha loãng kích chín trái cây là sai” - ông Hưng nói. |
(Tổng hợp)