(ĐSPL) - Sau khi có đơn đặt hàng từ Campuchia, Kỳ kêu gọi đồng bọn thực hiện trộm xe máy theo đúng yêu cầu, rồi chờ đến ngày thích hợp vận chuyển qua cửa khẩu tiêu thụ. Thời gian qua, hắn đã cùng đồng bọn thực hiện trót lọt hơn 3.500 vụ trộm xe máy. Qua theo dõi đường dây hoạt động, tiêu thụ xe gian, cung đường bí mật vận chuyển xe máy trộm cắp của các đối tượng dần hé lộ. PV đã vào cuộc làm rõ.
Ăn cắp xe máy bán được gần 10 tỉ đồng
Vào chiều 29/12/2014, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một điều tra viên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị này vừa triệt phá một đường dây trộm xe gắn máy liên tỉnh quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đối tượng điều hành đường dây trộm cắp này là Nguyễn Văn Kỳ (SN 1978, ngụ tỉnh An Giang). Trước đó, Kỳ từng có hai tiền án và đang trốn bốn lệnh truy nã của công an các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP.HCM, cũng với hành vi trộm cắp tài sản. Đến khi Kỳ bị bắt, hàng loạt vụ trộm cắp trước đó được làm rõ.
Đối tượng Kỳ điều hành đường dây trộm xe quy mô lớn. |
Điều tra viên này cho biết, Kỳ là đối tượng cộm cán trong đường dây trộm xe gắn máy liên tỉnh. Vào khoảng đầu năm 2013 đến tháng 3/2014, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu phát hiện nhiều vụ trộm xe gắn máy trên địa bàn tỉnh. Mở rộng điều tra phát hiện sự trùng hợp, nhiều tỉnh thành khác tại miền Tây cũng xảy ra tình trạng trộm cắp tương tự. Các đối tượng trộm cắp rất tinh vi trong tiêu thụ, khiến cơ quan CSĐT khó lần ra manh mối. Biết những vụ trộm cắp xe gắn máy có thể liên quan đến một đường dây có tổ chức, cơ quan CSĐT lập một chuyên án triệt phá.
Sau một thời gian theo dõi, lần manh mối, cuối tháng 12/2014, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu quyết định bắt khẩn cấp đối tượng Kỳ.
Từ lời khai của Kỳ, đến chiều 29/12/2014, cơ quan CSĐT đã truy bắt thêm 39 đối tượng liên quan đến đường dây trộm cắp. Khai thác lời khai của các đối tượng, cơ quan công an đã làm rõ 316 vụ trộm xe gắn máy. Điều đặc biệt, "ông trùm" đường dây trộm cắp xe gắn máy và đồng phạm còn khai nhận chúng đã thực hiện hơn 3.500 vụ trộm xe gắn máy trải dài từ tỉnh Nam Định đến Cà Mau. Những xe máy do chúng trộm cắp chủ yếu là xe tay ga đắt tiền.
Điều đáng nói sau khi bị bắt Kỳ khai nhận hắn còn cả ngàn vụ trộm trước đó và y không nhớ nổi. Trong suốt hơn một năm, các đối tượng trong đường dây trộm cắp của Kỳ đã liên tiếp thực hiện nhiều vụ trộm khắp các tỉnh, thành, đặc biệt là TP.HCM, thông thường là nơi cư ngụ của các đối tượng trong nhóm. Sau khi trộm được xe, chúng gửi lại ở các cây xăng dọc tuyến quốc lộ 1A, thời điểm thích hợp, chúng tập hợp lại rồi gửi bằng xe khách đến cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang). Từ đây, chúng liên kết với đồng bọn bên Campuchia đưa hàng qua tiêu thụ.
Một đồng phạm của "ông trùm" đường dây trộm cắp là Lê Văn Duẫn (SN 1982, ngụ tỉnh Nam Định) khai nhận, hắn từng thực hiện 116 vụ trộm xe ở nhiều tỉnh mà hắn nhớ rõ địa chỉ. Để thực hiện các vụ trộm, "ông trùm" Kỳ đã liên hệ với đầu nậu bên Campuchia từ trước đó. Khi có yêu cầu về loại xe, số lượng, Kỳ cùng đồng bọn "săn hàng" về giao cho đầu nậu. Trong tài khoản của Kỳ có hơn 7 tỉ đồng, chủ yếu là tiền do đầu nậu bên Campuchia chuyển vào để trả tiền mua xe gian.
Một băng nhóm bị bắt vì trộm cắp xe tuồn qua Campuchia. |
Thâm nhập "cung đường ăn cắp"
Trước đây, báo Đời sống và Pháp luật từng tiếp nhận một số thông tin phản ánh của bạn đọc tại các tỉnh ĐBSCL, về các đường dây tuồn xe gian qua biên giới Campuchia. Trước thực trạng này, PV đã thâm nhập tìm hiểu về những đường dây này. Ông Danh S., ngụ gần vùng biên giới Tịnh Biên (tỉnh An Giang) cho biết: "Tình trạng tiêu thụ xe gian xuyên quốc gia bằng hình thức ký gửi hàng hóa diễn ra ngày càng táo tợn, tinh vi. Hình thức này được thực hiện có sự hợp tác giữa các đối tượng trộm cắp trong nước liên kết với các đối tượng là người Việt bên Campuchia, thực hiện nhiều vụ vận chuyển xe gian. Hoạt động này không xa lạ gì với người dân vùng biên chúng tôi".
Trao đổi với PV, một cán bộ điều tra tại vùng trọng điểm ở cửa khẩu Tịnh Biên cho biết: "Để thực hiện được trót lọt các vụ trộm, các đối tượng không ở một địa điểm lâu, cũng không tập hợp đông người ở cùng một nơi. Các đối tượng trong đường dây phải là dân từng sống ở những nơi chúng dự định trộm xe. Việc này nhằm mục đích thuận tiện trong việc chỉ điểm, khi trộm xong chúng dễ dàng tẩu thoát theo những cung đường đã có người thông thạo. Ngay sau đó, chúng tập kết xe gian ở những điểm dọc quốc lộ 1A theo thỏa thuận trước đó để tiện việc vận chuyển".
Hầu hết những vụ trộm cắp có tổ chức đều có đường dây vận chuyển tinh vi qua Campuchia. Các cửa khẩu thuộc các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Kiên Giang, Long An... thường được các đối tượng trộm cắp xe máy giao dịch mua, bán. Hé lộ với PV, anh N.V.T., một tài xế xe khách tại quận Tân Bình (TP.HCM) tiết lộ: "Tôi thường đưa các đoàn khách qua Campuchia du lịch, có đôi khi nhận ký gửi hàng hóa. Theo tôi thấy, các cửa khẩu để qua nước bạn nhiều khi không được quản lý chặt chẽ. Vì thế nhiều vụ vận chuyển hàng lậu vẫn thường xuyên xảy ra. Để vận chuyển xe máy đi tiêu thụ bên Campuchia, người ta thường có hai hình thức, một là cho hàng xuống bên địa phận nước ta, hai là cho hàng xuống bên địa phận nước bạn. Thông thường, các đối tượng bên Campuchia sẽ qua, rồi một người một xe tìm đường chạy về Campuchia tiêu thụ".
Trong vai một đối tượng cần tiêu thụ xe gian, PV ngược về vùng "tam giác đen" Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, tiếp cận nhiều đối tượng cộm cán thường xuyên tổ chức trộm cắp, mua lại xe gian và biết được hoạt động bành trướng của các đối tượng. H. "cò", một "đại ca" chuyên thu mua xe gian cho biết: "Hiện, vùng "tam giác đen" có hơn 10 đường dây tiêu thụ xe gian. Nhưng chắc chắn không tên nào trả hời (thu mua xe gian giá cao hơn - PV) bằng anh đâu. Biết tại sao không? Là bởi anh có đường đi qua Campuchia ở Mộc Hóa, Long An, làm ăn uy tín lâu rồi. Nếu em có nguồn nào mua vào rồi bán lại cho anh, bất kể hàng gì anh đều nhận, giá cao". PV lấy lý do về nhà lấy xe rồi sẽ quay lại. Qua hôm sau, ngược trở lại tìm H. "cò" thì hắn đã biệt tích.
Hình thức mới, tinh vi Tiếp xúc với một "ông trùm" từng đi tù vì tội tổ chức trộm cắp, tiêu thụ xe gian đã giải nghệ tên L.M.T. (ngụ TP.HCM), PV bất ngờ với những hình thức phạm tội mới của tội phạm dạng này. Ông trùm" T. cho biết: "Hầu hết số xe trộm được các đối tượng sơn màu lại hoặc ngay lập tức vận chuyển đi tiêu thụ. Nếu không thì chúng cũng có một nơi an toàn để cất giấu chờ thời cơ. Tinh vi hơn, chúng có thể gọi thợ đục số khung, làm giấy tờ giả để chạy qua biên giới bán lại. Tại cửa khẩu, nếu muốn đi êm xuôi, chúng phải tìm mọi cách để luồn lách qua biên giới". Cần làm rõ trách nhiệm những người liên quan Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Trưởng văn phòng Luật sư Quang Trung, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Các đối tượng trong băng nhóm trộm cắp trên đã phạm tội có tổ chức với hình thức chuyên nghiệp, đây là tình tiết tăng nặng hình phạt. Đồng thời, chúng còn phạm thêm tội tiêu thụ xe gian bằng hình thức bán hàng bất hợp pháp qua biên giới. Đối với cây xăng, xe khách chứa xe máy trộm cắp của các đối tượng, trong trường hợp biết đó là những xe máy bất hợp pháp thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Thông thường, xe máy qua nước khác đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng tên chủ sở hữu, số khung, số máy... rất khó để lọt được xe gian lận. Vì vậy, trong trường hợp này cần làm rõ có hay không sự tắc trách của cơ quan chức năng tại cửa khẩu". |