Nguồn tin từ Công an tỉnh Lai Châu, vào khoảng 18h, ngày 04/10 tổ công tác Công an huyện Phong Thổ phối hợp với Đồn Biên phòng Huổi Luông làm nhiệm vụ tại khu vực mốc 63+500 đã phát hiện và bắt quả tang 3 đối tượng gồm: Triệu Chính Đức sinh 1993, trú tại khu 1 thị trấn Sìn Hồ, Châu Seo Xú SN 2002, trú tại Bản Dao thị trấn Sìn Hồ, Phồng Chỉn Ton SN 1994, trú tại Bản Nhiều Sáng xã Làng Mô, thị trấn Sìn Hồ huyện Sìn Hồ về hành vi Buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Tang vật thu được gồm 122 kg củ tươi giống củ sâm và 43 kg lá giống lá sâm.
3 đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: Công an tỉnh Lai Châu.
Sau khi bị bắt giữ, tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, số tang vật bị thu giữ là củ sâm và lá sâm. Do thấy sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh có giá trị cao trên thị trường và biết có một số nhà vườn ở Trung Quốc bán sâm giá rẻ nên ngày 03/10 cả ba đối tượng đã làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu Ma Lù Thàng sang Trung Quốc mua số sâm nói trên với giá 140 tệ/1kg củ, 40 tệ/1kg lá rồi lén lút vận chuyển trái phép qua suối biên giới tại mốc 63 + 500 về Việt Nam để bán kiếm lời.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Phong Thổ phối hợp lực lượng Biên phòng xác minh, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo cơ quan công an, thời gian qua, trên mạng xã hội có nhiều người đăng bán “sâm Lai Châu" với mức giá chỉ vài triệu đến hơn chục triệu đồng rẻ hơn sâm chính gốc rất nhiều lần, gây ảnh hưởng lớn đến người trồng sâm, đặc biệt làm tổn hại đến thương hiệu “sâm Lai Châu” một trong những nông sản - dược liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam hiện nay. Trước tình hình trên, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố xây dựng phương án điều tra xác minh, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nhằm bảo hộ thương hiệu quý, bảo vệ quyền lợi của các Doanh nghiệp, hộ cá thể trồng sâm trên địa bàn cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tang vật thu giữ được. Ảnh: Công an tỉnh Lai Châu.
Theo các chuyên gia, sâm nước ngoài nhập lậu về qua biên giới các tỉnh miền núi phía Bắc có nguồn gen giống sâm Việt Nam và chỉ khác ở quy trình sản xuất, nuôi trồng trong môi trường nhân tạo (nhà kính) sử dụng thuốc kích thích để tăng sinh khối và chủ vườn không tiếc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tránh sâu, rệp, kiến hại cây. Đã có nhiều vụ buôn lậu sâm bị lực lượng chức năng bắt giữ, khi lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm thì phát hiện sâm nhập lậu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép, thậm chí phát hiện cả những hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng ở nước ta.
Sâm Lai Châu có nguồn gene đặc biệt quý hiếm, theo các kết quả nghiên cứu, sâm Lai Châu sinh trưởng bằng dinh dưỡng là lớp mùn dưới tán rừng già nguyên sinh ở độ cao trên 1600m so với mực nước biển nên sâm hấp thu trọn vẹn tinh túy cũng như linh khí giao thoa của đất trời, vì vậy mới cho ra đời được hàm lượng dược tính saponin cao nhất, trong đó hợp chất Majonoside-R2 (MR2) chiếm khoảng 50% hàm lượng saponin toàn phần trong dược liệu.
Hợp chất MR2 đã được chứng minh một số tác dụng sinh học như chống trầm cảm, có triển vọng trong điều trị ung thư có nguồn gốc từ stress. Đây là sản phẩm đặc hữu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ nhãn hiệu, có giá trị rất cao từ 130 tới hơn 300 triệu đồng/1kg trên thị trường, được những người am hiểu về công dụng, giá trị của nó săn tìm mua với mục đích bồi bổ sức khỏe.
Công an tỉnh Lai Châu khuyến cáo người tiêu dùng có nhu cầu mua sâm để sử dụng nên tới các cơ sở uy tín, có truy xuất nguồn gốc, có kiểm nghiệm rõ ràng, không nên mua hàng trôi nổi để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng với giá trên trời vừa mất tiền vừa hại sức khỏe. Đề nghị quần chúng nhân dân tích cực tố giác tội phạm, hỗ trợ lực lượng Công an truy quét, bắt giữ các đối tượng, đường dây buôn lậu hàng hóa góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu gây thiệt hại cho sức khỏe của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Việt Nam nói chung, sâm Lai Châu nói riêng.
Bảo An