Vietnamnet đưa tin, nghệ sĩ Bình Tinh vừa nhận hơn 100 triệu đồng tiền bản quyền quý II/2024 từ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho khoảng 100 kịch bản của mẹ cô - cố soạn giả Bạch Mai. Đây là con số ấn tượng cho một tác giả trong mảng cải lương.
Bình Tinh cho biết cô trân trọng khoản tiền từ lao động của mẹ nhưng vẫn chưa nguôi nỗi đau mất bà. Từ khi mẹ qua đời năm 2021, cô luôn dùng tiền bản quyền để làm từ thiện, với suy nghĩ hồi hướng công đức cho mẹ.
"Tôi sẽ tiếp tục dùng số tiền này làm điều thiện, giúp đỡ các ông bà, cô chú bác đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn ngay trong tháng 7 giỗ mẹ, theo đúng tâm nguyện của mẹ", Bình Tinh nói.
Nghệ sĩ Bình Tinh bên mẹ - soạn giả Bạch Mai. Ảnh: FBNV
Sân khấu TP HCM có hai đại gia tộc gắn bó với nghề hát theo truyền thống "cha truyền con nối" đó là Minh Tơ và Huỳnh Long. Nếu gia tộc Minh Tơ có NSND Thanh Tòng được xem là "chưởng môn nhân", thì gia tộc Huỳnh Long có nghệ sĩ Bạch Mai là "nữ soái" thống lĩnh đủ 4 vai trò: trưởng đoàn, soạn giả, đạo diễn và diễn viên.
Bà tên thật Nguyễn Ngọc Mai (sinh năm 1948) là con gái của ông bà Ngọc Huỳnh, chủ gánh hát Thanh Bình - Kim Mai, nên từ nhỏ đã được cha mẹ nuôi dạy, động viên nối nghiệp gia đình. Thời đó gia đình bà sinh sống ở đình Nhơn Hòa (Cầu Muối), gánh hát nuôi lớn các anh chị em trong nhà, ươm mầm cho bà ý thức sớm tiếp nối sự nghiệp của cha.
Bà có nhiều bút danh như: Bạch Mai, Kim Mai, Ngọc Mai, Thanh Trúc, Ngọc Châu, Viên Hoàng... và hàng trăm kịch bản cải lương tuồng cổ, trong đó có nhiều vở tuồng nổi tiếng như "Xử án Phi Giao", "Giang sơn mỹ nhân", "Ngọc Kỳ Lân", "Thập tứ nữ anh hào", "Ngũ biến báo phu cừu", "Mặt trời đêm thế kỷ", "Trưng nữ vương", "Mai trắng se duyên"…
Có thể nói, bà tạo cơ hội thành công cho rất nhiều ngôi sao cải lương như Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Chí Linh, Vân Hà... bởi khi họ diễn trong kịch bản của bà thì họ đã được thăng hoa với nhân vật được viết rất chỉn chu, đầy đặn. Kịch bản hay sẽ hỗ trợ rất lớn cho nghệ sĩ biểu diễn. Vì vậy nhiều nghệ sĩ còn coi Bạch Mai là thầy của mình.
Thành công của Bạch Mai khi cầm bút là bà đã thiết kế kịch bản theo hướng hành động, nhiều tình tiết gay cấn đưa đến hành động, vũ đạo nhiều hơn khiến khán giả không bị cảm giác lê thê. Bài ca chỉ vừa đủ, ngắn gọn, để dành đất cho thoại và vũ đạo, nghệ sĩ phải bỏ nhiều công phu tập dợt cho đẹp, chính vì vậy khi lên sân khấu quyến rũ được khán giả. Nhưng bà cũng không quên nhấn mạnh tình cảm trong những đoạn trầm lắng làm người xem xúc động. Bà tìm điểm nhấn đúng lúc, và luôn khiến người xem cảm thấy thương nhân vật, theo Thanh Niên.
Nghệ sĩ Bạch Mai qua đời tháng 8/2021 do nhiễm COVID-19, hưởng thọ 73 tuổi. Bà là tên tuổi lớn và có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương.