Nhiều người đau đầu khi không biết làm sạch mực, bạch tuộc bằng cách nào để vừa nhanh gọn, vừa không bị tanh. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn sơ chế loại hải sản này một cách dễ dàng. Việc sơ chế đúng cách sẽ giúp món ăn trở nên ngon và đẹp hơn.
- Xả mực dưới vòi nước sạch, tiếp đó túm chặt phần râu mực và kéo ra khỏi phần thân. Lưu ý, cần kéo một cách dứt khoát để phần ruột, túi mực bị kéo theo ra ngoài. Tuy nhiên, bạn phải hết sức cẩn thận vì nếu khiến túi mực bị vỡ thì con mực sẽ bị đen, ăn có vị đắng.
Nếu không may bị vỡ túi mực, hãy cẩn thận xối nước nhanh cho mực trôi đi rồi thực hiện các bước tiếp theo.
- Bạn dùng dao cắt bỏ phần mắt mực, lấy ta nặn bỏ khối tròn cứng ở giữa đầu mực (răng mực).
- Cắt nhẹ một đường phía đầu thân mực để tạo ra đường gờ giữa da và thịt mực. Sau đó, bạn dùng một tay giữ chặt phần thịt mực, trong khi tay còn lại nắm chắc phần da mực và kéo lên.
Bạn chú ý chọn mua mực tươi để giữ được độ giòn, chắc thịt khi chế biến. Ảnh minh họa
- Sau khi lấy được phần ruột, râu và túi mực ra khỏi thân, bạn tiếp tục bóc hết phần xương sống của con mực ra. Xương sống mực là những mẩu xương to bản, có màu trắng trong, rất dễ nhìn thấy.
- Lấy dao rạch một đường dọc trên mặt thân mực, trải mực ra, tiếp đó cạo hết phần nội tạng còn sót lại rồi rửa sạch với nước.
Một điều cần lưu ý là bạn nên chọn mua mực tươi để khi chế biến sẽ giữ được độ giòn và chắc thịt, giúp món ăn thơm ngon, hấp dẫn hơn.
- Rửa sạch bạch tuộc với nước, nếu là bạch tuộc lấy ra từ trong tủ lạnh thì nên rã đông rồi mới rửa. Cắt ngay ở dưới mắt để lấy phần xúc tu, rồi để gọn sang một bên.
- Bạn loại bỏ nội tạng bạch tuộc bằng cách giữ phần thân của bạch tuộc cho mắt hướng xuống đất, luồn kéo song song với mặt đất, đưa vào sau gáy và cắt. Sau đó, xẻ đôi phần nội tạng bên trong và sử dụng dao cắt bỏ phần nội tạng đó.
- Cho muối vào rửa nhẹ bạch tuộc để loại bỏ hoàn toàn chất nhờn. Tiếp theo, bạn đun sôi nước với lá ổi, để nguội một chút, rồi cho bạch tuộc vào nước này rửa để khử hết mùi tanh.
- Đập một ít gừng và bóp với thịt bạch tuộc để thịt có mùi thơm hơn. Tiếp đó, rửa sạch bạch tuộc với 2 – 3 lần nước và để ráo.
Không phải ai cũng biết cách làm sạch bạch tuộc nhanh và không bị tanh. Ảnh minh họa
- Phần đầu bạch tuộc cắt riêng, sau đó cắt nhỏ thành hình nhẫn hoặc để nguyên để nhồi gia vị (tùy theo kiểu món ăn để cắt cho phù hợp). Trong khi đó, chân bạch tuộc cắt thành từng đoạn kích thước vừa ăn.
Chỉ với vài bước đơn giản, bạn đã hoàn thành khâu sơ chế bạch tuộc. Tương tự như mực, bạn chú ý chọn mua bạch tuộc tươi để việc sơ chế dễ dàng hơn, tạo nên món ăn vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng.
Đ.K (T/h)