Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bão số 4 diễn biến phức tạp, càng gần bờ càng mạnh

(DS&PL) -

Chiều 15/8, Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai tổ chức họp bàn các giải pháp ứng phó với bão số 4, dự kiến đổ bộ ngày 17/8 vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Chiều 15/8, Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai tổ chức họp bàn các giải pháp ứng phó với bão số 4, dự kiến đổ bộ ngày 17/8 vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

TS Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Nếu đổ bộ sớm có thể là khoảng 3-4 giờ sáng; muộn có thể là 9-10 giờ sáng ngày 17-8, tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An, sức gió mạnh cấp 8. Ngay sau đó, bão số 4 di chuyển sang khu vực thượng Lào và tan dần".

Ông Cường lưu ý: "Điều đáng lo ngại nhất của bão số 4 là lượng mưa, tập trung nhất là mưa từ ngày 16 và 17/8 ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, trọng tâm mưa ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An với lượng mưa 250-300mm. Do mưa nên mực nước sông Bùi tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội có thể lên báo động 2 và báo động 3, song mức độ ngập úng không bằng trung tuần tháng 7/2018".

Quang cảnh cuộc họp - ảnh Báo Quân Đội Nhân Dân.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết lực lượng bộ đội biên phòng các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 36.314 phương tiện với 137.774 người; 11.378 lồng bè, lều, chòi canh với 14.706 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 5.347 phương tiện với 29.320 người đang hoạt động trên biển khu vực vịnh Bắc Bộ.

Tại khu vực Chương Mỹ (Hà Nội), ông Hoài cho biết nước mới rút cạn, mực nước trên sông Bùi hiện nay khoảng 4,2 m (dưới mức báo động I là 1,8 m). Do đó, đề nghị theo dõi sát diễn biến mưa, mực nước tại các khu vực thấp trũng để chủ động phòng tránh. Đặc biệt đảm bảo đời sống, sinh hoạt và môi trường khu vực Chương Mỹ; phối hợp tốt giữa các địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành chống ngập úng đô thị bơm nước ra sông Đáy, sông Nhuệ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, cùng với việc triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4, hiện hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội cùng các phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho rằng đây là cơn bão đặc biệt, diễn biến rất phức tạp, bão càng vào gần bờ càng mạnh. Do đó chúng ta không được chủ quan. Công tác ứng phó đòi hỏi phải sát sao, quyết liệt, chủ động, nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Bộ trưởng yêu cầu: "Đến nay chúng ta vẫn chưa khoanh vùng diện hẹp nơi cơn bão có khả năng đổ bộ, trong lúc đó 2 ngày nữa bão đã đổ bộ rồi. Tôi đề nghị giám đốc dự báo phải dự báo sát hơn nữa, xem bão sẽ đổ bộ trọng điểm tỉnh nào".

"Tôi đề nghị, đối với tuyến biển, dứt khoát yêu cầu các tỉnh trọng điểm cấm biển tuỳ tình hình, tỉnh nào đang gần cơn bão nhất cấm biển trước"

Đối với sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ chủ động tiêu thoát nước đệm để phòng chống úng ngập, bảo vệ sản xuất. Riêng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ cần đề phòng nguy cơ sạt đất, lũ quét, chủ động sơ tán dân để đảm bảo an toàn...

Minh Minh (T/h)

Tin nổi bật