(ĐSPL) - Một bài xã luận đăng trên tờ New York Times của Mỹ cho rằng, Tổng thống Barack Obama nên áp đặt lệnh trừng phạt mới chống lại Nga trước khi Donald Trump bước vào nhiệm sở đầu năm tới.
Theo tờ báo này, Nhà Trắng đã công khai cáo buộc Nga về hành động đột nhập tấn công mạng và cảnh báo tránh can thiệp vào nền chính trị Mỹ, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ.
Theo New York Times, chính quyền Obama cần công bố dữ liệu chi tiết về những cuộc tấn công mạng. Ngoài ra, tờ báo còn đề xuất "công bố mã khóa máy tính của Nga, thông báo dữ liệu tài khoản nước ngoài của giới quan chức Kremlin giàu có và phong tỏa mạng Nga".
Báo Mỹ cho rằng Tổng thống Obama nên áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga trước khi Trump nhậm chức. Ảnh: AP |
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ nên áp đặt lệnh trừng phạt đối với việc tham gia của hacker Nga hoặc quân nhân Nga tấn công vào ban lãnh đạo chiến dịch ở Syria.
"Donald Trump rõ ràng là fan hâm mộ cuồng nhiệt của Vladimir Putin nên hẳn sẽ không hành động, vì vậy đây là nhiệm vụ của Obama, hãy kịp thời buộc tổng thống Nga trả lời", bài viết trên New York Times kết luận.
Politico hôm 16/11 đăng tải bài viết nhận định rằng, việc Donald Trump giành chiến thắng trongcuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có thể dẫn đến kịch bản các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ. Thậm chí, việc này còn có thể diễn ra ngay cả trước lễ nhậm chức chính thức của tân tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2017.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những lời lẽ tốt đẹp cho nhau. Sau khi Trump đắc cử, ông và nhà lãnh đạo Nga cũng hứa hẹn sẽ làm quan hệ hai nước trở nên tốt hơn trong tương lai.
Trước đó, chính quyền Obama đã cộng tác chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) để duy trì sự thống nhất trong vấn đề trừng phạt Nga cũng như phô trương rằng họ đóng vai trò quan trọng trong chính sách kiềm chế Moscow.
Từ năm 1922 đến năm 1991, Liên bang Nga là phần chủ yếu của Liên bang Xô Viết. Suốt những năm cuối của Thế kỷ XX, Mỹ và Liên Xô đóng vai trò là hai nhân tố chính trong trận chiến lịch sử, thường được biết đến với tên gọi “Chiến tranh lạnh”, chia thế giới ra làm hai cực. Trận chiến này theo nghĩa rộng là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Mặc dù Nga ngày nay đã chuyển sang chủ nghĩa dân chủ và tư bản, tuy nhiên thì Chiến tranh lạnh vẫn còn màu sắc trong quan hệ Nga – Mỹ cho đến ngày nay. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo Link nguồn: http://usforeignpolicy.about.com |
Lê Huyền (tổng hợp)