Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bao giờ huyện Nhà Bè lên quận?

(DS&PL) -

Để lên quận, UBND huyện Nhà Bè cần có hướng thành lập hội đồng phát triển kinh tế dịch vụ, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, mời các chuyên gia kinh tế đến góp ý.

Để lên quận, UBND huyện Nhà Bè cần có hướng thành lập hội đồng phát triển kinh tế dịch vụ, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, mời các chuyên gia kinh tế đến góp ý, thu hút các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao.


Theo kế hoạch, huyện Nhà Bè sẽ lên quận Nhà Bè vào năm 2015. Ảnh: Thanh Niên 

Theo kế hoạch vào năm 2025, huyện Nhà Bè, TP.HCM sẽ lên quận Nhà Bè.

Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, ông Hoàng Tùng cho biết, cả huyện Nhà Bè chỉ còn 200 hộ dân làm nông nghiệp. Do đó, lãnh đạo UBND thành phố đặc biệt lưu ý, nếu huyện xây dựng kế hoạch rõ ràng hơn thì cuối năm 2025 sẽ trở thành một quận.

Ông Tùng cho hay, với số hộ dân làm nông nghiệp ít ỏi như vậy, huyện Nhà Bè sẽ có nhiều triển vọng lên quận hơn những huyện khác.

Đáng chú ý, hiện nay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng, quy hoạch các khu đô thị của huyện khá tốt. Cụ thể mới đây nút giao thông Nguyễn Văn Linh đã được khởi công.

Nút giao thông Nguyễn Văn Linh không chỉ với huyện Nhà Bè mà với cả khu Nam TP.HCM. Một công trình được chờ đợi quá lâu, kỳ vọng sẽ làm bật dậy cả khu vực về giao thông, thương mại, cũng như an sinh xã hội cho khu vực.

Bên cạnh đó, thành phố cũng có chủ trương mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, nối Nhà Bè lên trung tâm quận 7, quận 4 và quận 1.

Đồng thời, khu đô thị - cảng Hiệp Phước được kết nối giao thông sẽ tạo bước đột phá phát triển đô thị mạnh mẽ trong tương lai.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, một trong những điểm yếu trên địa bàn hiện nay là bị ngập do triều trường, tuy nhiên theo kế hoạch vào giữa năm 2020, dự án chống ngập giai đoạn 1 hoàn thành và đưa vào vận hành, do đó ngập do triều sẽ không còn nữa.

Đường Lê Văn Lương cũng đã có dự án nâng cấp, mở rộng đường, sẽ được quy hoạch kéo dài hơn 10 km, có điểm đầu giáp quận 4, đi qua quận 7, Nhà Bè đến điểm cuối Long Hậu, Cần Giuộc. Đoạn qua quận 7 được mở rộng lên 6 - 8 làn xe, lộ giới của đoạn này là 40 m. Đoạn qua Nhà Bè sẽ xây mới cả 4 cầu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi, trong đó cầu Long Kiểng đang trong quá trình thi công.

Trước đó, ngày 6/5, huyện Nhà Bè tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo báo cáo chính trị tại đại hội, trong nhiệm kỳ vừa qua Nhà Bè đã triển khai thực hiện 3 chương trình trọng điểm.

Đó là chương trình học chữ, học nghề, giải quyết việc làm gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững; chương trình nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; chương trình tập trung đầu tư kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Nhà Bè đề ra mục tiêu tổng quát là phát huy truyền thống cách mạng, dân chủ, đoàn kết, năng động, sáng tạo xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, gia đình hạnh phúc, bảo đảm an sinh xã hội, nhân dân có việc làm và cuộc sống ổn định; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực.

Về giải pháp cụ thể để huyện Nhà Bè trở thành quận, Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Nhà Bè cần có hướng thành lập hội đồng phát triển kinh tế dịch vụ, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, mời các chuyên gia kinh tế đến góp ý, thu hút các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, huyện cần đổi mới phương thức quản lý, chú trọng xây dựng đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Đặc biệt phải chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển kinh tế dịch vụ.

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật