Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Báo Giao thông bị cấm đăng tải về C.T Thành Bưởi là thiếu cơ sở pháp lý

(DS&PL) -

Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, quyết định của Tòa án Quận 5 - TP HCM đã ngăn cản quyền tác nghiệp của một tờ báo đối với một sự kiện thực tế.

Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, quyết định của Tòa án Quận 5 - TP HCM đã ngăn cản quyền tác nghiệp của một tờ báo đối với một sự kiện thực tế, đồng thời nó cũng không có cơ sở pháp lý chắc chắn và vô cùng mơ hồ.

Vừa qua, Tòa án Quận 5 - TP HCM có quyết định cấm Báo Giao Thông tiếp tục đăng tin đối với Cty TNHH Thành Bưởi về “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế- phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước”.

Đây là sự việc chưa từng có tiền lệ khi Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu một cơ quan báo chí ngừng đăng bài về một đối tượng cụ thể.

Trao đổi với Zing.vn về quyết định của TAND quận 5 buộc báo Giao thông ngừng đăng bài liên quan đến các vấn đề hoạt động trá hình, trốn thuế của Công ty TNHH Thành Bưởi, ông Nguyễn Thái Thiên, Cục phó Cục Báo chí, cho hay đến nay Cục chưa nhận được văn bản nào của TAND quận 5 (TP.HCM) và báo Giao thông.

“Qua đối chiếu 13 hành vi quy định trong điều 9 (Luật Báo chí) về hành vi mà báo chí bị nghiêm cấm đăng tải thông tin, tôi thấy không có điểm nào như quyết định TAND quận 5 cả. Việc cấm hay không cấm phải căn cứ theo Luật Báo chí”, ông Nguyễn Thái Phiên nói.

Tuy nhiên, Cục phó Cục Báo chí cũng cho rằng ngoài Luật Báo chí hoạt động của các cơ quan báo chí còn chịu sự ràng buộc của các luật khác như Hình sự, Dân sự...

"Vụ việc chưa có tiền lệ nên Cục sẽ cần nghiên cứu kỹ càng", ông Thiên nói.

Để nhìn nhận vấn đề trên phương diện pháp luật, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong – Trưởng văn phòng Luật sư Inteco.

Luật sư đánh giá như thế nào về quyết định định cấm Báo Giao Thông tiếp tục đăng tin đối với Công ty TNHH Thành Bưởi của Tòa án Quận 5 - TP HCM, điều này có vi phạm luật báo chí hay không?

Như dư luận đã lên tiếng nhiều rồi, đây là quyết định chưa có tiền lệ trong lịch sử hoạt động tố tụng của Việt Nam chúng ta. Cái sự lạ của quyết định này nằm ở hai chỗ: Thứ nhất là nó ngăn cản quyền tác nghiệp của một tờ báo đối với một sự kiện thực tế, và thứ hai là nó không có cơ sở pháp lý chắc chắn và vô cùng mơ hồ.

 Luật sư Hà Huy Phong – Trưởng văn phòng Luật sư Inteco.

Việc Công ty TNHH Thành Bưởi khởi kiện Báo Giao thông và đòi bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín ra Toà án là quyền của Chính Công ty đó, kể cả việc Công ty Thành Bưởi yêu cầu Toà áp dụng biện pháp khẩn cấp, và Toà án cần xem xét để xử lý căn cứ vào quy định pháp luật mà Nhà nước ban hành.

Theo quy định tại Điều 111 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 thì Toà án có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.

Các biện pháp khẩn cấp tạp thời được liệt kê cụ thể tại Điều 114, tuy nhiên, trường hợp nào được áp dụng thì lại quy định một cách khá chung chung và có khả năng tuỳ nghi cao nên rất dễ bị Toà hoặc đương sự lạm dụng mà khó bị coi là trái pháp luật. Việc Công ty Thành Bưởi khởi kiện Báo Giao thông là xuất phát từ một số bài báo đã đăng tải mà Công ty này cho rằng là đã gây thiệt hại đến danh dự, uy tín của Công ty. Tuy nhiên, việc Báo có tiếp tục đăng tải các bài mới hay không, cá nhân tôi cho rằng, sẽ không tiếp tục ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vì nếu có thiệt hại đến uy tín và danh dự của Thành Bười thì cũng đã thiệt hại rồi và biện pháp khẩn cấp tạm thời đó sẽ không có tác dụng.

Tôi chỉ lưu ý rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó phải gắn liền với vụ án, chứ không phải gắn với toàn bộ hoạt động khác của đương sự.

Chúng ta cần nhấn mạnh thêm rằng, theo quy định tại Điều 127, thì Toà án có quyền "Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết”. Ở đây, Toà phải chỉ ra được rằng, việc Báo Giao thông tiếp tục đăng bài có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hay không, hoặc có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba khác có liên quan hay không. Bản thân tính đúng sai của các bài báo đã đăng hiện đang là nội dung chính của vụ kiện mà Toà phải xem xét nên không thể là căn cứ cho việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Báo Giao thông là một đơn vị báo chí được cấp phép hoạt động và đang hoạt động hợp pháp, do đó, các quyền và nghĩa vụ của Báo chịu sự điều chỉnh bởi Luật Báo chí và các nhà báo, phóng viên của báo đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của Nhà báo là cung cấp thông tin và thực hiện các hoạt động báo chí khác. Nhà báo chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin mà mình cung cấp, đăng tải. Việc đăng tải thông tin là quyền tự do báo chí đã được Nhà nước công nhận. Trong khi chưa có phán quyết cuối cùng về tính chính xác của thông tin thì không thể ngăn cản quyền tự do báo chí đó.

Việc Toà án Quận 5 - Tp. Hồ Chí Minh đưa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như vậy, vừa đi ngược dư luận trong một bối cảnh không có cơ sở pháp lý rõ ràng, có dấu hiệu bao che cho doanh nghiệp là một hành động hết sức đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của ngành Toà án nói riêng, đến niềm tin của công luận vào hệ thống thực thi pháp luật của Việt Nam nói chung.

Toà án không nên chỉ chạy theo dư luận, vì dư luận không phải là căn cứ để Toà đưa ra phán quyết, nhưng đối với những vụ việc có ảnh hưởng xã hội lớn như vậy, nếu Toà không có đủ chứng cứ pháp lý vững chắc thì không nên đưa ra quyết định một cách vội vàng.

Tòa án Quận 5 - TP HCM dựa vào cơ sở pháp luật gì để cấm Báo Giao Thông tiếp tục đăng tin đối với Công ty TNHH Thành Bưởi. Nếu báo Giao thông không chấp hành quyệt định này thì có bị cơ quan nào xử lý hay không?

‘Thẻo quy định tại Điều 139 Bộ Luật tố tụng dân sự thì Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay. Cơ quan, tổ chức bị Toà yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có trách nhiệm thực hiện quyết định của Toà. Báo Giao thông có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng.

Quyết định của Tòa án Quận 5 - TP HCM nêu đích danh báo Giao thông không được tục đăng tin đối với Cty TNHH Thành Bưởi, vậy những đơn vị báo chí khác có được phép đăng tải hay không?

Trong quyết định mà Toà án Quận 5 đưa ra thì chỉ yêu cầu Báo Giao thông không được thực hiện hành vi tiếp tục đăng bài, do đó, các cơ quan báo chí khác không thuộc đối tượng điều chỉnh của văn bản này nên không bị cấm.

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe luật sư!

Huyền Trang

Tin nổi bật