Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Báo cáo truyền thông mới gây xôn xao, lật lại câu chuyện Mỹ từng nghe lén lãnh đạo châu Âu

(DS&PL) -

Cơ quan mật vụ Đan Mạch mới đây bị tố hỗ trợ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama lén theo dõi nhiều quan chức châu Âu, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Các hãng tin châu Âu mới đây đồng loạt đăng tin tố cơ quan mật vụ Đan Mạch hỗ trợ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama lén theo dõi hoạt động của các nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU). 

Được biết, thông tin về việc Mỹ lén do thám các đồng minh lần đầu được người tố giác Edward Snowden tiết lộ vào năm 2013. Tuy nhiên, cuộc điều tra mới đây đã cung cấp thêm nhiều thông tin chi tiết về vụ việc, bao gồm việc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch (FE) là người đã hỗ trợ hoạt động này của Mỹ. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong những quan chức cấp cao tại châu Âu bị Mỹ nghe lén. Ảnh: Getty

Trích dẫn nhiều nguồn giấu tên, đài truyền hình công cộng Đan Mạch DR và ​​các hãng tin tức khác ở Đức, Pháp, Na Uy và Thụy Điển đã công khai báo cáo về một phân tích tình báo bí mật về mối quan hệ của NSA với FE từ năm 2012 đến năm 2014. Truyền thông cho hay, báo cáo trên được thực hiện bởi 4 chuyên gia phân tích.

Theo đó, báo cáo cho biết NSA có thể sử dụng hệ thống nghe lén của Đan Mạch thông qua cáp internet dưới biển. Điều đáng nói, phía Đan Mạch hoàn toàn biết và cho phép hoạt động này diễn ra. 

Các báo cáo trên truyền thông mô tả một hệ thống hợp tác giữa Đan Mạch và Mỹ được sử dụng để khảo sát và lưu trữ dữ liệu từ cáp internet dưới biển. Đài DR nói thêm rằng một trung tâm dữ liệu thậm chí đã được xây dựng cho mục đích đó tại một cơ sở tình báo của Đan Mạch trên đảo Amager, phía Nam Copenhagen.

Trong đó, đài truyền hình DR cho rằng Thủ tướng Angela Merkel cùng 2 cựu ứng viên thủ tướng khác là đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội là Peer Steinbrück và Frank-Walter Steinmeie đều nằm trong "tầm ngắm" của Mỹ. Ngoài ra, nhiều quan chức cấp cao khác của Pháp, Na Uy và Thuỵ Điển cũng bị nghe lén, tuy nhiên đài DR không cung cấp thông tin chi tiết về những nhân vật này. 

Sau thông tin trên, chính phủ các nước Đức, Na Uy và Thuỵ Điển cho biết họ không nắm được kết luận được đưa ra trong báo cáo của tình báo Đan Mạch. Trong khi đó, văn phòng tổng thống Pháp đã từ chối đưa ra bình luận về vụ việc. 

Cuộc điều tra này đã được thực hiện với sự phối hợp của các hãng truyền thông châu Âu bao gồm tờ Le Monde của Pháp, tờ Süddeutsche Zeitung của Đức, các đài truyền hình NDR và ​​WDR của Đức, và các đài truyền hình công cộng từ Thụy Điển (SVT) và Na Uy (NRK).

Được biết, hồi năm 2013, sau khi ông Snowden tiết lộ thông tin gây sốc về hoạt động theo dõi và nghe lén của Mỹ đối với đồng minh châu Âu, cựu Tổng thống Barack Obama đã cam kết sẽ dừng những hoạt động này. Tờ Le Monde cho biết tại thời điểm này vẫn chưa rõ việc nghe lén trên xảy ra trước hay sau lời hứa này.

Minh Hạnh (Theo Politico)

Tin nổi bật