Những bức ảnh mà Philippines cung cấp cho thấy tàu hút bùn Trung Quốc hút cát đá dưới biển đổ lên “bồi đắp” các rạn san hô ở Trường Sa.
|
Sự thay đổi của đá Gạc Ma qua quá trình Trung Quốc khai thác trái phép từ tháng tháng 3/2012 đến tháng 2/2014 (thứ tự thời gian từ trái qua phải, từ trên xuống dưới). Ảnh do Philippines công bố. |
Báo Philstar dẫn báo cáo mật của chính phủ Philippines cho biết, Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất trái phép không phải trên 1, mà là 5 khu vực - đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven và đá Én Đất - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các quan chức cấp cao Philippines cũng xác nhận với đài TV5 và chỉ ra rằng, Philippines đã phát hiện ra các hoạt động nạo vét trái phép và vận chuyển vật liệu của tàu Trung Quốc. Cụ thể, các bức ảnh mà họ cung cấp cho TV5 cho thấy tàu kéo, tàu hút bùn với những đường ống dài ngang ngược cắm xuống đáy biến hút vật liệu rồi đổ lên các rạn san hô.
Những quan chức này cho rằng Trung Quốc đã hoàn thành hoạt động trái phép này của mình tại đá Gạc Ma từ cuối tháng 3. Các hoạt động trái phép khác tại đá Én Đất và đá Châu Viên sẽ kéo dài khoảng 1 tháng. Tại đá Ga Ven, việc cải tạo đất trái phép có thể kéo dài khoảng 1 tháng hoặc hơn, "trừ trường hợp gặp các vấn đề về môi trường".
Hiện tại Philippines không phát hiện các hoạt động tương tự tại 3 khu vực khác mà Trung Quốc đang chiếm đóng và xây dựng cơ sở đồn trú trái phép là đá Chữ Thập, đá Su Bi và đá Vành Khăn. Tuy nhiên, báo cáo không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo chúng sau khi hoàn tất mọi việc trên 5 rạn san hô trên.
Báo cáo cũng dự đoán rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bắt đầu thực hiện các hoạt động trái phép của mình ở đá Chữ Thập và đá Su Bi trước tiên.
Các quan sát Philippines và quốc tế đều thống nhất quan điểm cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng các cơ sở đồn trú của mình ở những khu vực đó là một phần trong những âm mưu của nước này nhằm đạt được tham vọng nắm quyền kiểm soát hoàn toàn trong khu vực.
Hồi tháng 3, Philippines đã tố cáo Trung Quốc tiến hành cải tạo đất trái phép tại đá Chữ Thập. Bộ Ngoại giao nước này đã công bố những bức ảnh cho thấy những thay đổi của 2 cơ sở đồn trú của Trung Quốc, từ một diện tích nhỏ đã lên tới gần 9 ha, chỉ sau 2 năm.
Theo Philstar, Trung Quốc được cho là sẽ xây dựng một sân bay tại đá Gạc Ma. Một khi đi vào hoạt động, sân bay này sẽ là một cơ sở để Bắc Kinh đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Trên cơ sở đồn trú trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar giám sát mặt đất và trên không cũng như hệ thống truyền dữ liệu vệ tinh, bãi đỗ trực thăng, cầu tàu. Đã có 200 lính Trung Quốc đóng phi pháp trên đó cùng nhiều vũ khí hạng nặng.
Còn tại cơ sở đồn trú trái phép trên đá Su Bi, Trung Quốc cũng đã xây dựng bãi đỗ trực thăng và bố trí khoảng 200 lính đồn trú.
Trang web Stratfor - chuyên phân tích về các vấn đề địa chính trị - đánh giá rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến lược khai thác dầu và cải tạo đất để củng cố những đòi hỏi chủ quyền phi lý trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời làm suy yếu khả năng các quốc gia khác thách thức quyền lực của mình.
Stratfor cho rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng biên giới của mình bằng chiến lược đó khi mà nước này vẫn đang nâng cao năng lực hậu cần hải quân.
Cũng theo Stratfor, Bắc Kinh sẽ tiếp tục chiến lược ba bước: sử dụng đường 9 đoạn để biện minh cho những hoạt động tiếp diễn của mình ở Biển Đông; thực thi yêu sách chủ quyền của mình trên “các khu vực có lợi thế chiến thuật, nơi mà họ đang hiện diện thực tế”, tiếp tục pháp triển năng lực kỹ thuật và quân đội để thận trọng mở rộng biên giới biển ra xa hơn mà không phải đối đầu với cùng lúc nhiều quốc gia láng giềng.