(ĐSPL) - Trung Quốc đang đẩy nhanh việc cải tạo đất ở Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, với các đê biển và tàu hút bùn.
Tờ Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Reuters cho biết, những hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington (CSIS) công bố cho thấy tại bãi Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai nhiều phương tiện xây dựng, nạo vét lòng biển cũng như các đê chắn sóng đã được xây dựng dọc bãi này.
Việc cải tạo đất tại Đá Vành Khăn là hoạt động cải tạo mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo tin tức từ Reuters, ngoài Đá Vành Khăn, Trung Quốc còn tiến hành việc cải tạo trên 6 rạn san hoa khác ở Trường Sa khiến các bên tranh chấp khác phải lên tiếng cảnh báo và bị Washington chỉ trích.
Hình ảnh được chụp ngày 16/3 ở Đá Vành Khăn. Ảnh: CSIS |
|
Cũng theo thông tin này, một bức ảnh CSIS công bố ngày 16/3 cho thấy một dải đất nhân tạo nhỏ cũng như các công trình mới, các đê biển kiên cố và thiết bị xây dựng dọc Đá Vành Khăn.
Lối vào bãi Vành Khăn đã được mở rộng. Chỉ trong vòng sáu tháng qua, Trung Quốc đã xây dựng thêm một số hạng mục tại bãi đá này.
Tờ Reuters cũng cho biết, nhiều tàu hút bùn cũng xuất hiện trong khi lối vào đá đã được mở rộng.
Liên quan đến sự việc, trên báo VnExpress đưa tin, bức ảnh từ ngày 1/2 cho thấy một tàu hải quân vận tải đổ bộ của Trung Quốc nằm cách lối vào Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ khoảng vài trăm m. CSIS nói rằng tàu này có khả năng chở 800 binh sĩ và khoảng 20 xe bọc thép lội nước.
Trong khi trước đó, những bức ảnh chụp đá Vành Khăn vào tháng 10 không có dấu hiệu cải tạo nào. Ảnh chỉ cho thấy hai công trình, trong đó có một tòa nhà ba tầng được trang bị các turbin gió và tấm năng lượng mặt trời.
Trung Quốc đã chiếm giữ Đá Vành Khăn năm 1995, sau đó xây dựng một số nơi trú ẩn tạm thời mà Bắc Kinh nói là dành cho ngư dân trong mùa mưa. Sau đó, Trung Quốc đã xây dựng một đơn vị đồn trú ở đây và triển khai cả tàu khu trục, tàu phòng vệ bờ biển.
Hồi tháng 2, Philippines từng cảnh báo rằng các tàu hút bùn của Trung Quốc đã bắt đầu nạo vét ở khu vực này.
MAI NGUYÊN (Tổng hợp)