Vì sao số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM liên tục tăng hơn 1.000 ca?
"3 ngày nay, số ca gần như ngang nhau. Khi lấy hết mẫu vùng lõi thì thời gian tới lấy ra vòng ngoài. Số này theo nguyên tắc chắc chắn sẽ giảm xuống", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam nhận định.
Chỉ một ngày, HCDC ghi nhận 18 nhân viên y tế nhiễm nCoV khi làm việc. Ngành y tế đang chịu áp lực rất lớn khi phải điều trị cho hơn 14.000 bệnh nhân Covid-19.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết từ 6h ngày 11/7 đến 6h ngày 12/7, HCDC ghi nhận 1.489 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 1.026 trường hợp tại khu cách ly, phong tỏa; 18 ca phơi nhiễm nghề nghiệp; 189 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện; 221 ca đang được điều tra bổ sung thông tin.
Vì sao số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM liên tục tăng hơn 1.000 ca?
Đáng chú ý, trong số này có 18 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp, gồm 13 nhân viên tại Bệnh viện Quận 4, một nhân viên tại khu cách ly Học viện Chính trị KV II, một nhân viên y tế tại Bệnh viện Quận 1, ba nhân viên y tế tại Bệnh viện Hùng Vương.
Phó giám đốc Sở Y tế cho biết thành phố đang tăng lượng bác sĩ, điều dưỡng để tập trung cao nhất cho khối điều trị.
Vừa qua, ngành y tế cũng đã đề xuất 500 bác sĩ tham gia điều trị tại các bệnh viện dã chiến, nhất là điều trị cho bệnh nhân nặng. Ngoài ra, ngành y tế còn nhận được sự hỗ trợ hùng hậu của lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên.
Ông Nam cho biết với số F0 tăng cao, các bác sĩ phải phân ra nhiều nơi để điều trị, do đó, số lượng bác sĩ tại bệnh viện cũng giảm đi. Thêm vào đó, ngành y tế phải tăng cường lực lượng để khám sàng lọc cho bệnh nhân trước khi vào bệnh viện. Đây là nhóm rất áp lực khi phải lọc ngay trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với SARS-CoV-2, không để lọt vào trong bệnh viện.
Về phương pháp xét nghiệm hiện nay, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết ngành y tế đang tập trung lấy mẫu trọng tâm, trọng điểm. Vùng lõi nguy cơ cao sẽ tập trung lấy trước, sau đó mở rộng ra khu vực bên ngoài.
Ông cho biết vừa qua, số lượng F0 tăng nhanh do thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho vùng lõi của các ổ dịch.
"Ba ngày nay, số ca gần như ngang bằng nhau. Nếu lấy hết được mẫu vùng lõi thì thời gian tới lấy ra vòng ngoài là vòng nguy cơ. Số này theo nguyên tắc chắc chắn sẽ giảm xuống. Mục tiêu của chúng ta trong đợt dịch này là cố gắng tách nhóm F0 ra khỏi cộng đồng dân cư", ông Nam nói.
Nhật Bản viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam.
Bộ Y tế sáng 13/7 cho hay Ngoại trưởng Nhật Bản đã công bố viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine Astrazeneca phòng Covid-19 cho Việt Nam, nâng tổng số liều viện trợ cho Việt Nam lên gần 3 triệu.
Nhật Bản viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam.
Lô vaccine này sẽ được chuyển từ Nhật Bản về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) rạng sáng 16/7.
Trước đó, ngày 16/6, 2/7 và 9/7, gần 2 triệu liều vaccine do Nhật Bản viện trợ đã về Việt Nam, chủ yếu được chuyển cho TP.HCM.
Tính thêm cả 1 triệu liều vaccine Nhật Bản hỗ trợ sắp về Việt Nam, từ tháng 2 đến nay (ngày 13/7), Việt Nam tiếp nhận gần 9 triệu liều, gồm vaccine AstraZeneca, Sputnik-V, Pfizer, Moderna, Sinopharm.
WHO cảnh báo không tiêm trộn vaccine Covid-19.
WHO khuyến cáo các nước không vội vàng tiêm trộn các loại vaccine khác nhau khi chưa có đủ dữ liệu khoa học chứng minh hiệu quả.
Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khuyến nghị không nên tiêm trộn các loại vaccine Covid-19 của những nhà sản xuất khác nhau, cho rằng đây là "xu hướng nguy hiểm" vì chưa rõ tác động tới sức khỏe.
WHO cảnh báo không tiêm trộn vaccine Covid-19.
"Đó là xu hướng nguy hiểm. Chúng ta chưa có dữ liệu và bằng chứng về khả năng kết hợp chúng. Tình huống hỗn loạn sẽ xảy ra ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định thời điểm và đối tượng tiêm liều vaccine thứ hai, thứ ba hay thứ tư", bà Swaminathan nói trong buổi họp báo ngày 12/7.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi các nước không vội vàng đặt hàng và triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người đã tiêm chủng, trong bối cảnh nhiều nước khác chưa có vaccine.