Báo động đỏ thực trạng các băng nhóm giang hồ rời "địa bàn cát cứ" đi gây án tại các địa phương khác
Thời gian qua, việc các băng nhóm giang hồ hoạt động theo kiểu "xã hội đen" đã khiến dư luận bất bình, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý và triệt phá không ít băng nhóm hoạt động kiểu này, góp phần đảm bảo sự bình yên cho toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những ổ nhóm tội phạm hoạt động tinh vi, dưới nhiều vỏ bọc, hình thức khác nhau, song khi đối đầu cơ quan công an lại vô cùng manh động.
Ví dụ vụ truy đuổi nhóm giang hồ gây chấn động dư luận cả nước tại tỉnh Bình Thuận là một ví dụ.
Trước sự vào cuộc truy quét gắt gao của lực lượng công an, nhiều băng nhóm giang hồ phải im hơi lặng tiếng để chờ thời cơ. Nhằm tránh sự chú ý của chính quyền địa phương, các băng nhóm giang hồ rời địa bàn cát cứ đến hoạt động nhiều tỉnh thành khác. Điều đáng nói, chúng dám "đấu súng" với lực lượng chức năng khi bị truy bắt. Đòi hỏi bức thiết hiện nay là cần có những "quả đấm thép" đập tan những ổ nhóm tội phạm ngay khi chúng còn trong trứng nước…
Hiện trường cuộc đấu súng kinh hoàng tại Bình Thuận. |
Hé lộ những tình tiết ở giây phút sinh tử
Sáng 21/9, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã tiếp cận nguồn tin mới nhất liên quan đến băng nhóm giang hồ đấu súng với hàng trăm cảnh sát xảy ra chiều 18/9 tại địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, Công an tỉnh Bình Dương xác nhận, đêm 19/9 đối tượng Lưu Minh Long (tự Long "gà", SN 1989, ngụ tỉnh Bình Dương) đã đến Công an TX.Thủ Dầu Một đầu thú, khai báo hành vi. Như vậy tính đến nay, toàn bộ 8 thành viên trong băng nhóm giang hồ đấu súng với cảnh sát gây kinh hoàng ở Bình Thuận đều đã bị bắt giữ. Được biết, trong ngày 20/9, Long "gà" bị di lý ra Bình Thuận nhằm phục vụ công tác điều tra. Bảy đối tượng bị lực lượng liên quân Công an tỉnh Bình Thuận bắt giữ trước đó gồm: Võ Thanh Phong (SN 1983), Nguyễn Quang Toàn (SN 1988, cùng ngụ Bến Tre), Vương Minh Châu (SN 1988), Huỳnh Minh Phát (SN 1992), Nguyễn Tấn Danh (SN 1978), Lương Văn Tâm (SN 1983), Nguyễn Anh Tùng (SN 1989, cùng ngụ ở Bình Dương).
Được biết, kẻ cầm đầu băng nhóm chuyên đá gà ăn tiền này là Nguyễn Văn Toàn (có hộ khẩu ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre) đã có hai lệnh truy nã. Hắn đến Bình Dương thuê trọ và chuyên tổ chức cá độ đá gà ăn tiền. Hắn tập hợp dưới trướng nhiều thanh niên mê trò cá độ đá gà và nhiều kẻ mới vào tù ra tội. Với ý định "thắng gom, thua chạy", băng nhóm giang hồ này đã ít nhất hai lần dùng súng uy hiếp đối phương trong các buổi thua cá cược đá gà trước đó. ý định này cũng được Toàn bàn với đồng bọn trước khi đến Bình Thuận.
Đối tượng Nguyễn Văn Toàn thúc thủ sau hai giờ ẩn nấp trong nhà dân. |
Sau khi thua với tổng số tiền khoảng 130 triệu đồng, Toàn ra hiệu cho đồng bọn ra xe đang chờ sẵn để tháo chạy. Phát hiện được ý định này, những thanh niên người địa phương tham gia sát phạt đã đi theo và chắn trước đầu xe ô tô để không cho nhóm Toàn rời đi. Lập tức, Nguyễn Văn Toàn nhảy xuống xe, cầm hai khẩu súng bắn liên tục hàng chục phát khiến những thanh niên chặn đầu xe phải tháo chạy. Thừa cơ hội này, Toàn cùng đồng bọn chạy nhanh về hướng TP.HCM.
Quá trình trốn chạy, băng nhóm giang hồ "ăn quỵt" này gặp phải sự truy đuổi của nhóm thanh niên địa phương và lực lượng Công an Bình Thuận. Chạy được khoảng hơn chục kilomet, nhận thấy không thể dễ dàng tẩu thoát, Toàn mang theo bốn khẩu súng cùng một bao đạn rồi cùng Tùng và Long "gà" xuống xe, đón một xe khách giường nằm vào TP.HCM. Nhưng khi thấy nhiều CSGT đang kiểm tra xe nên Toàn, Tùng và Long "gà" nhảy xuống khỏi xe khách, chạy trốn. Long "gà" tẩu thoát thành công, Tùng bị bắt ngay trước cổng trại giam Thủ Đức, còn Toàn cầm súng lao vào nhà một người dân nhưng không có ai ở nhà.
Ngay lập tức, Toàn tháo chạy sang nhà ông Tăng Văn Chiêu gần đó để khống chế con tin. Tuy nhiên, ngôi nhà có hai phụ nữ và hai trẻ em đã nhanh chóng ẩn náu và thoát được ra ngoài, song cuối cùng Toàn đã bị cơ quan công an bắt gọn. Khám xét nhanh, Công an tình Bình Thuận thu giữ 76 triệu đồng, 203 USD, bốn khẩu súng ngắn (rulô, K54) cùng nhiều viên đạn, bình xịt hơi cay... Kiểm tra tư trang còn phát hiện Toàn có rất nhiều giấy tờ tùy thân dán ảnh mình nhưng mang bốn tên khác nhau.
Tang vật mà Công an tỉnh Bình Thuận thu giữ của nhóm giang hồ tại Bình Dương. |
Băng nhóm giang hồ "chuyển vùng"
Đại tá Nguyễn Đắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bình Thuận) cho biết, đây là nhóm giang hồ cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự. Nhóm này chuyên tổ chức cờ bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, đá gà, đòi nợ thuê, bảo kê... Không chỉ hoạt động tại Bình Dương, băng nhóm của Toàn còn mở rộng địa bàn hoạt động sang Đồng Nai và Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận. Khi bị các đối thủ bao vây, Toàn rút súng để cả nhóm chạy thoát. Hiện cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố các đối tượng trước pháp luật.
Những băng nhóm giang hồ hoạt động có tổ chức trên nhiều địa bàn khác nhau, sẵn sàng dùng hàng nóng "đáp trả" lực lượng chức năng không phải là hiếm. Khi bị truy bắt, chúng ngang nhiên thách thức lực lượng công an, bắt người dân làm con tin để ra điều kiện. Theo ghi nhận của PV, dường như nhiều băng nhóm đã hoạt động theo kiểu "rời tổ" đến các địa phương khác gây án hòng dễ bề qua mắt và tẩu thoát. Để lãng tránh tai mắt của công an, nhiều băng nhóm không đóng chốt tại một địa phương nào mà liên tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác để thực hiện các "hợp đồng" bảo kê, cho vay nặng lãi, tổ chức đá gà, cưỡng đoạt tài sản...
Địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ vốn rộng lớn, là nơi tập trung rất đông dân nhập cư sinh đến định cư và lập nghiệp. Đây cũng chính là "mảnh đất vàng" cho những băng nhóm giang hồ hình thành và hoạt động, đặc biệt tại các vùng giáp ranh. Nhiều trùm giang hồ phía Bắc khi bị truy nã đã dạt vào miền Nam để gây dựng thanh thế bằng các hợp đồng bảo kê, đâm thuê chém mướn gây mất trật tự. Một trong những "ông trùm" giang hồ miền Bắc Nam tiến "lập nghiệp" phải kể đến Tiến "con" (tức Trần Minh Tiến, 35 tuổi, ngụ quận Đống Đa, TP. Hà Nội). Tiến “con” bị cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội truy nã về hành vi "tàng trữ súng quân dụng và vật liệu nổ".
Ngoài ra, còn phải kể đến các đại ca giang hồ có số má khác như: Lê Thanh Tùng (tức Tùng "Lò Gạch", 31 tuổi, ngụ Hải Phòng) hoạt động trong lĩnh vực cá độ, bảo kê; Trương Công Phi (25 tuổi, ngụ Bình Định) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cờ bạc; Nguyễn Văn Long (tức Long "vàng", ngụ Hà Nội) cũng đưa quân vào Sài Gòn sau khi bị truy nã vì từng gây ra những cuộc thanh toán đẫm máu, bảo kê, đòi nợ thuê, tranh giành địa bàn ở Hà Nội... Hay các trùm giang hồ "khởi nghiệp" tại TP. HCM như: Tý "điên" (Nguyễn Văn Tý, 57 tuổi, quê Tây Ninh, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM), Mười Thu (tức Nguyễn Trọng Mười (SN 1978, quê xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An),... Khi bị lực lượng công an phát hiện nơi các băng nhóm này "đóng chốt", chúng chuyển sang các địa bàn khác để gây án.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2014 vừa được tổ chức ngày 22/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm Chính phủ chỉ đạo, phải tổ chức các đợt cao điểm tấn công quyết liệt, triệt phá các băng nhóm "xã hội đen", kiên quyết xóa bỏ tình trạng bao che, "bảo kê" tội phạm. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tình hình tội phạm băng nhóm hoạt động ngày càng tinh vi và phức tạp, hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau. Vì thế, các cơ quan chức năng, các địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đấu tranh quyết liệt với các băng, ổ, nhóm tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.