Nhà đầu tư chứng khoán “F0” tăng kỷ lục
Vốn là một giáo viên dạy cấp 2, từ đầu năm 2021, công việc của chị Nguyễn Hương Giang (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chịu nhiều tác động bởi dịch COVID-19. Khi nguồn thu nhập chính bị cắt giảm mạnh, chị được bạn bè tư vấn và quyết định bỏ 300 triệu đồng tiền tiết kiệm để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Tôi hoàn toàn không có kiến thức gì khi mới biết tới chứng khoán. Việc phân tích kỹ thuật hay nghiên cứu thị trường được phó mặc cho các tư vấn viên”, chị Giang nói và cho biết quyết định giao dịch hàng ngày chủ yếu dựa vào hội nhóm zalo lập ra nhằm “phím kèo”, nghe theo đội ngũ môi giới.
Có thể nói, những nhà đầu tư “F0” (thuật ngữ để chỉ những người mới bước vào thị trường chứng khoán – PV) như chị Hương Giang đã góp phần tạo nên bức tranh sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam xuyên suốt năm 2021. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến dòng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư Việt đổ dồn vào kênh đầu tư chứng khoán, phần nào đó đã giúp thị trường xác lập nên mức đỉnh mới và lần đầu tiên chỉ số VnIndex vượt mốc 1.500 điểm, mốc lịch sử chưa từng có kể từ năm 1996 – thời điểm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập.
Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 11 là 221.314 tài khoản, ghi nhận tháng thứ 9 liên tiếp vượt mức 100.000 tài khoản kể từ tháng 2/2021 đến nay.
Đặc biệt, số lượng mở mới trong tháng 11 đã tăng 70% so với tháng trước đó, lập kỷ lục mới của thị trường chứng khoán khi vượt kết quả của cả năm 2019 (192.567 tài khoản) và bỏ xa kỷ lục cũ 140.193 tài khoản được thiết lập hồi tháng 6/2021. Đây cũng là con số lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới đạt mức cao kỷ lục trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh minh hoạ.
Thị trường chứng khoán sẽ đạt mức 1700 điểm trong năm 2022?
Dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm “Nhâm Dần” 2022, khối phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect có góc nhìn khá lạc quan. Theo đó, VnDirect đưa ra khả năng chỉ số VnIndex sẽ đạt mức 1700-1750 điểm trong năm 2022.
“Chúng tôi cho rằng đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Rủi ro chính đối với thị trường năm 2022 vẫn là lạm phát cao hơn dự kiến có thể dẫn đến việc các chính sách thắt chặt được triển khai. Mặt khác, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của Việt Nam sớm hơn dự kiến cũng giúp thị trường có dư địa tăng giá”, nhóm phân tích của VnDirect đưa ra nhận định.
Ngoài ra, VnDirect còn cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư cá nhân, những người đang tìm kiếm kênh đầu tư có lãi suất cao hơn lãi suất huy động. Số lượng tài khoản cá nhân mở mới đạt mức cao kỷ lục trong những tháng cuối năm 2021. Bên cạnh đó, nhờ mức độ số hoá ngày càng tăng, thị trường chứng khoán sẽ càng trở nên dễ tiếp cận đối với các nhà đầu tư cá nhân, trong bối cảnh số lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam chỉ ở mức 3,5% dân số, tương đối thấp so với nhóm ASEAN 6 (bao gồm các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines).
Đưa ra con số triển vọng có phần “khiêm tốn” hơn mốc 1.700 điểm, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 – 1.600, tương đương với mức tăng khoảng 6-8% so với mức đỉnh của năm 2021.
VCBS đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế như giai đoạn trước dịch, nhưng đi cùng với mức lạm phát cao. Lãi suất có thể tăng nhẹ nhưng nhìn chung vẫn sẽ giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán có thể nói vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. VCBS nhận định dòng vốn từ các nhà đầu tư nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022 nhưng phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm và sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi.
Trao đổi với PV, TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Vương quốc Anh) cho rằng khi một lượng lớn tiền đổ vào chứng khoán trong một thời gian ngắn thì việc giá chứng khoán tăng mạnh là bình thường. So với mức định giá đang nóng lên trên nhiều thị trường lớn của thế giới thì Việt Nam cũng không phải đang ở một mức định giá quá cao hay quá thấp. Tuy nhiên, một số cổ phiếu đầu cơ, không có hoạt động kinh doanh tốt thực sự có thể đang được đẩy quá cao.
TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Vương quốc Anh).
Nói về khuyến nghị dành cho các nhà đầu tư trong giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường, TS Hồ Quốc Tuấn chỉ ra những điểm quan trọng mà nhà đầu tư cần nắm rõ. Thứ nhất, không nóng vội, chạy đi mua cổ phiếu bằng mọi giá và mua ngay cả những cổ phiếu mình không biết rõ, không quan tâm công ty kinh doanh gì. Đầu tư qua cách chỉ đi hỏi xin 3 chữ cái từ người khác sẽ có rất nhiều rủi ro, nhất là trong giai đoạn tăng nóng.
Thứ hai, với nhà đầu tư, hiểu rõ mình đang mua doanh nghiệp như thế nào, vì sao nó đang “hút tiền”, tăng nóng, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào là rất quan trọng.
“Chạy theo tiền nóng không xấu, nhưng phải tính táo và thông minh, để mình lướt sóng chứ không bị sóng cuốn đi”, TS Hồ Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Kỳ vọng từ kênh đầu tư bất động sản
Ngoài chứng khoán, bất động sản cũng là một kênh đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm. Đưa ra phân tích cá nhân về thị trường bất động sản năm 2022, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng các yếu tố vĩ mô, chuyển biến tích cực từ nền kinh tế có thể sẽ sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong năm 2022-2023.
"Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6-6,5% trong năm sau, thậm chí, nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi, GDP có thể tăng 6,5-7%. Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu bất động sản bật tăng", ông Cấn Văn Lực nói. Đồng thời, các chỉ báo tích cực từ thị trường còn đến từ các yếu tố khác như chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang được hoàn thiện; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược, đầu tư công được thúc đẩy; các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh.
Chia sẻ về hướng phát triển của thị trường hậu COVID-19, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, thế mạnh của bất động sản Việt Nam là nhu cầu về nhà ở, về giao dịch mua bán trong dân vẫn rất lớn, không hề suy giảm vì dịch bệnh. Trong thời điểm dịch bệnh, do việc hạn chế di chuyển và tiếp xúc nên các hoạt động mua bán nhà đất bị đình trệ tạm thời, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang kênh chứng khoán.
“Tuy nhiên kết thúc giãn cách, một lượng lớn tiền không nhỏ rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản để tìm cơ hội đầu tư. Dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, nhất là trong tình hình dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Điều này sẽ tiếp tục là tiền để để thị trường BĐS thu hút dòng vốn lớn từ trong dân”, ông Quốc Anh nhìn nhận.
Hiếu Nguyễn