Đất Nam Định có xã Hải Minh nổi tiếng giàu có. Đến xã này, chỗ nào cũng thấy sự hiện diện của những căn nhà lộng lẫy trị giá hàng chục tỷ đồng nằm san sát nhau. Đặc biệt khó ai có thể bỏ lỡ lâu đài Lan Khoa Khuê trứ danh với lối kiến trúc độc đáo, tráng lệ.
Hải Minh là một xã của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Xã nằm ở phía Đông Nam thành phố Nam Định, cách trung tâm thành phố 24km theo đường chim bay. Phía bắc và phía tây giáp sông Ninh Cơ và huyện Trực Ninh, phía tây nam giáp xã Trực Đại, phía tây bắc giáp xã Trực Thanh, phía bắc giáp xã Trực Đạo, phía đông bắc giáp thị trấn Cát Thành, phía đông giáp với xã Hải Anh.
Những căn biệt thự nằm san sát nhau. Ảnh: VOV |
Có dịp đến Hải Minh, chúng tôi không khỏi choáng ngợp về sự sầm uất, giàu có nơi vùng quê này. Hai bên đường vào xã Hải Minh, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, có cả những tòa trông giống như lâu đài, mọc lên san sát. Những ông bà chủ tuổi đời 30-35 tự tin khoe mô hình làm giàu, cơ ngơi hàng chục tỷ. Người dân khu vực gọi nơi đây là làng tỷ phú.
Xã Hải Minh có nền kinh tế khá đa dạng, gồm nông nghiệp (trồng lúa), mây tre đan xuất khẩu và nghề cây cảnh tuy nhiên nổi danh nhất là ngành đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Bởi thế nhiều người dân nói: “Gọi các xóm theo nghề gỗ ở đây là xóm tỷ phú cũng chẳng sai tí nào”.
Căn biệt thự 5 tầng của vợ chồng bà Sao được xây dựng từ hơn 4 năm trước. Bà Sao cho biết xây nhà hết 18 tỷ đồng nhưng ngôi biệt thự này chưa thấm gì so với nhiều nhà khác trong xã. Tính đến nay, vợ chồng bà đã vào nghề gỗ xấp xỉ 20 năm. Những khó khăn ngày đầu bà không muốn ôn lại, chỉ nhấn mạnh rằng, có được như ngày hôm nay là nhờ nghề truyền thống của quê hương.
Gia đình bà Sao nhập những món hàng từ khắp nơi, trong nước, ngoài nước, rồi về bán lại cho khách có nhu cầu. Khách cũng là khách thập phương, từ người trong huyện, trong tỉnh đến người nước ngoài. Có tháng bán được vài, ba tỷ cũng có tháng không bán được sản phẩm nào. Nhưng doanh thu trung bình mỗi tháng thì cũng có thể tính đến tiền tỷ.
Bà cho biết thêm, các con gái của bà sau khi tốt nghiệp đại học đều về quê lấy chồng rồi nối nghiệp gia đình, đến nay đều đã có xưởng gỗ riêng, có cửa hàng lớn trong xã.
Ở xóm bên cạnh, vợ chồng anh Ngát, chị Đoan vừa lập nghiệp được vài năm nay. Trung bình mỗi ngày anh chị bán ra 2 sản phẩm, doanh thu mỗi tháng khoảng 700-800 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng cũng lãi được trên dưới trăm triệu.
Chị bảo, nói thành công thì cũng chưa dám khẳng định nhưng hiện tại đời sống gia đình cũng ổn định nhờ nghề gỗ.
Điều đặc biệt ở làng nghề gỗ Hải Minh là có không ít người học đại học xong lại về quê làm nghề truyền thống, thay vì bám trụ ở các thành phố lớn. Chủ nhân của không ít xưởng gỗ, nhiều cửa hàng nội thất ở làng nghề này khoe có bằng cử nhân loại giỏi, loại khá. Họ chọn về quê bởi ở lại thành phố khó xin việc và cũng vì nghề truyền thống của quê hương cho thu nhập cao gấp bội so với mức lương khởi điểm của nhiều vị trí công việc khác.
Trả lời báo chí, một lãnh đạo xã Hải Minh cho biết, sản xuất đồ gỗ là nghề truyền thống của xã Hải Minh từ năm 1990. Hiện xã có khoảng 1.000 đến 1.200 hộ sản xuất và kinh doanh đồ gỗ trên tổng số trên 4.700 hộ dân. Trong đó, không ít những cơ sở có quy mô lớn (có 70, 80 lao động hoạt động thường xuyên).
Đến đất Nam Định thì không thể không ghé thăm lâu đài Lan Khoa Khuê của đại tỷ phú Nguyễn Văn Khuê.
Được biết, công trình mất 9 năm để hoàn thành với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Lâu đài có tổng cộng 5 tầng, với diện tích 470m2 trong khuôn viên 3.000m2 . Công trình được làm theo lối kiến trúc phương Tây cùng những đường nét chạm trổ, hoa văn phong phú lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp.
Nội thất bên trong đa phần từ những loại gỗ quý như gỗ hương, gỗ đỏ, cẩm lai. Để tuổi già có thể đi lại dễ dàng, ông Khuê lắp thang máy đặt ở gần phòng ăn. Phòng ăn của gia đình đủ để 100 người ngồi thoải mái. Đặc biệt, trần nhà còn được dát một lớp vàng mỏng, có khả năng cách nhiệt tốt và giảm thiểu rủi ro khi gặp hỏa hoạn.
Gần lâu đài của ông Khuê là một dinh thự 3 tầng bằng đá và gỗ nổi tiếng của một vị đại gia tên Tịnh. Hàng rào dinh thự tạc bằng đá xanh nguyên khối, cổng làm từ gỗ quý. Phía trong, gia chủ cho thiết kế sân vườn đẹp mắt với tiểu cảnh, núi đá phong thủy. Dinh thự mang đậm nét kiến trúc văn hóa Việt Nam với mái đao uốn lượn.
"Trên địa bàn xã có hơn 10 lâu đài của các đại gia trong ngành sản xuất gỗ hoặc kinh doanh các ngành đường biển. Các hộ khá giả này cũng thường xuyên làm từ thiện, ủng hộ xây dựng quê hương. Ví dụ thời điểm xã vận động người dân ủng hộ làm đường, gia đình ông Tịnh ủng hộ 150 triệu đồng. Vào dịp Tết, nhiều hộ cũng ủng hộ gia đình nghèo từ 30 - 40 triệu đồng để ăn Tết. Các hộ này cũng tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và các nơi khác với mức thu nhập ổn định. Nhờ kinh tế phát triển, người dân xã Hải Minh cũng có điều kiện đầu tư cho giáo dục và y tế", vị lãnh đạo xã chia sẻ.
Nhận thấy hoạt động kinh doanh đồ gỗ cho hiệu quả kinh tế cao, không khí làm ăn sôi động, ngày càng có nhiều người muốn theo nghề. Bởi thế, nhu cầu về đất mặt tiền tại xã Hải Minh ngày một nhiều, nên đất đai, nhà cửa ở Hải Minh có giá hơn hẳn.
Từ 2015 trở về trước, giá đất tại Hải Minh, kể cả các xóm kinh doanh đồ gỗ, chỉ ở mức 10 triệu hoặc dưới 10 triệu đồng/m2 , nay tăng gấp 3 lần. So với mặt bằng chung toàn huyện, đất ở đây cao hơn khá nhiều, cao xấp xỉ đất mặt tiền ở thị trấn Yên Định.
Hiện xã Hải Minh có 15 trên tổng số 26 xóm sản xuất và kinh doanh đồ gỗ. Theo chia sẻ của đại diện xã, đất mặt tiền tại 15 xóm này đều tăng cao trong 2 năm nay, trung bình từ 30 đến 35 triệu/m2.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo xã cho biết thêm, trước đây, sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ chỉ phát triển ở một vài xóm. Từ năm 2009 đến nay, số người theo nghề này tại địa phương đã tăng lên gấp 7-8 lần. Dưới hình thức làng nghề, hoạt động kinh doanh ở Hải Minh khá sầm uất. Với những hộ kinh doanh, thu tiền tỷ mỗi tháng là hoàn toàn có thật. Người dân phấn chấn làm ăn, làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương làng xã ngày một khang trang hơn.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, mặc dù giá đất tăng cao chóng mặt và nhu cầu mua đất ở Hải Minh là rất lớn, nhưng giao dịch thực tế khá ít vì không có nhiều người muốn bán. Do vậy, những năm qua, cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng là một dịch vụ phổ biến ở Hải Minh, giúp những gia đình có nhà mặt đường nhưng không có điều kiện kinh doanh vẫn có thu nhập khá cao, cùng với tham gia làm thuê cho các ông chủ đồ gỗ, nhiều gia đình từng bước ổn định cuộc sống và làm giàu. |
Bá Di
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 91