Thời gian gần đây, trên mạng xã hội nổi lên câu chuyện 1 nữ TikToker xuất hiện với hình ảnh mặt bị sưng và cô phải nhập viện mổ lấy silicon. Theo chia sẻ, cách đây 6 năm, cô được một spa tài trợ tiêm filler để khuôn mặt đầy đặn nhưng không biết chất được tiêm là silicon. Gần đây, mặt cô bị sưng, đau nên đã phải đến nhiều nơi chữa trị.
Kể lại câu chuyện của mình, nũ TikToker mong muốn gửi lời cảnh tỉnh đến những người có ý định làm đẹp, rằng phải chọn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ uy tín.
Sau quá trình chạy chữa, cô phải phẫu thuật để nạo silicon. Ảnh: Người lao động
Liên quan đến câu chuyện này, nhiều người thắc mắc làm sao để phân biệt silicon và filler?
Mới đây, báo Người lao động dẫn lời bác sĩ Dương Đức, Khoa Thẩm mỹ tạo hình - Bệnh viện 7A (TP HCM), cho biết không thể phân biệt silicon và filler sau khi đã tiêm vào cơ thể.
Bác sĩ Đức cho biết filler bản chất là HA, tan dần theo thời gian, tùy chất lượng và cấu tạo mà tan nhanh hay chậm. Silicon thì không thể tan được. Khi tiêm vào cơ thể, silicon không tan nên có thể gây hoại tử, viêm nhiễm nếu không được đào thải ra ngoài.
Theo bác sĩ Đức, silicon vào cơ thể có nhiều cấp độ. Nếu nó không gây viêm, hoại tử và bác sĩ thăm khám xác định không ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng thì sẽ để nguyên tại chỗ. Bởi lẽ, việc can thiệp có thể nguy hiểm hơn là không can thiệp. Trường hợp bị viêm nhiễm, loét thì cần phải phẫu thuật nạo silicon. Tuy nhiên, quá trình nạo lấy silicon sẽ khiến mất luôn mô, cơ vùng được nạo.
Chị em cần lựa chọn cơ sở uy tín, với các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa
"Tùy theo mức độ tổn thương trước khi nạo, nếu viêm nhiễm chỉ khu trú 1 chỗ thì không ảnh hưởng nhiều, song nếu lan ra các vùng xung quanh thì cần phải nạo nhiều, thậm chí mất xương, mất cơ vùng bị nạo" - bác sĩ Đức cảnh báo.
Hiện nay, nhiều phụ nữ có nhu cầu làm đẹp. Để tránh các biến chứng, bác sĩ Đức khuyến cáo cần lựa chọn cơ sở uy tín, với các sản phẩm đảm bảo chất lượng.
"Các sản phẩm này chi phí không hề nhỏ nên khi đã quyết định làm đẹp bằng filler, cần lựa chọn sản phẩm an toàn. Chị em cần yêu cầu người thực hiện tiêm chất tan filler trước khi sử dụng để nhận biết" - bác sĩ Đức nhấn mạnh.
Cũng theo Ths.BS. Võ Hồng Phúc, Chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Khoa Liên chuyên khoa - Điều trị trong ngày, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) cho biết: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít chất làm đầy được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Trước đây, silicon lỏng là chất làm đầy hay được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da và phục vụ nhu cầu trong thẩm mỹ để tân trang nhan sắc, tuy nhiên năm 1995, Bộ Y tế đã cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận trong cơ thể do ghi nhận nhiều biến chứng nguy hiểm, thông tin từ Sở Y tế TP.Cần Thơ.
Nguyễn Linh (T/h)