Theo PGS.TS. BS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, vào mùa hè nền nhiệt cao, thời điểm nắng gay gắt của mùa hè, đặc biệt những ngày qua nhiệt độ ban ngày lên cao tới 39-40 độ C, nắng nóng khiến cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng giảm, đặc biệt là người nhà và trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh tai mũi họng. Điều này khiến trẻ đi khám tại chuyên khoa Nhi không ngừng gia tăng.
“Đặc biệt có 3 căn bệnh về tai mũi họng phổ biến mà trẻ em hay mắc nhất là viêm tai giữa, viêm amidan, viêm mũi dị ứng và viêm xoang”, PGS Hoài An nhấn mạnh.
Theo vị PGS, đối với viêm tai giữa, đây là bệnh lý thường gặp, tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây các biến chứng nghiêm trọng nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời (như viêm xương chũm, thủng màng nhĩ…). Người dân mọi lứa tuổi đều có thể mắc căn bệnh này trong đó trẻ nhỏ là nhóm có nguy cơ cao nhất.
“Viêm tai giữa ở trẻ hầu hết do sự chưa trưởng thành về cấu trúc, chức năng của vòi nhĩ và do chúng chưa trưởng thành về hệ thống miễn dịch. Biểu hiện rõ ràng nhất của viêm tai giữa là sốt cao kèm đau tai, có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa, giai đoạn sau là chảy mủ tai. Lúc này các dấu hiệu lâm sàng thuyên giảm tuy nhiên đây không đồng nghĩa với bệnh giảm nhẹ mà là sự chuyển đổi sang giai đoạn mạn tính, cần điều trị dứt điểm để tránh biến chứng”, PGS An nói.
Thời tiết nắng nóng, đặc biệt khúc giao mùa khiến nhiều trẻ em mắc các bệnh tai mũi họng
Đối với viêm amidan, đây là căn bệnh ai cũng có thể mắc trong mùa hè. Người nhẹ thì đau họng, khó nuốt, mệt mỏi… nặng hơn có thể gây sốt, amidan sưng to, đờm nhiều khi khạc nhổ đau rát họng, hay chèn ép gây khó thở.
Nguyên nhân gây nên amidan có thể do virus, người có tiền sử bệnh hô hấp dễ trở bệnh khi thời tiết thay đổi hay người dùng quá nhiều đồ lạnh vào mùa hè hay hít nhiều khói bụi…
Căn bệnh thứ 3 trẻ em dễ gặp được vị chuyên gia liệt kê là viêm mũi dị ứng. Đây là căn bệnh có độ phổ biến cao, tuy không nghiêm trọng nhưng gây ảnh hưởng đến tới sinh hoạt thường ngày như hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, cảm giác ngứa, khó chịu thường xuyên…
“Có người phát bệnh theo mùa hay gặp các dị nguyên như phấn hoa, lông động vật hay khói bụi… Thông thường bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ và có thể dùng lại đơn thuốc với các triệu chứng bệnh đơn thuần nhưng nếu tình trạng kéo dài và thuốc không phát huy tác dụng cần tái khám và xin tư vấn từ bác sĩ”, BS An cho hay.
Bác sĩ Hoài An nhấn mạnh, những căn bệnh phổ biến trên trẻ em dễ mắc là do trẻ em vốn sức đề kháng yếu, cùng thời tiết nóng bức khiến các vi khuẩn gây hại dễ xâm nhập vào cơ thể. Thêm nữa, những ngày hè nóng nực, việc sử dụng điều hòa không đúng cách có thể gây sốc nhiệt, hay việc sử dụng thực phẩm không được bảo quản đúng cách ngày hè cũng là nguyên nhân khiến trẻ đi khám gia tăng.
Chính vì thế, vị chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần để ý quan sát con trẻ. Mặc dù các bệnh lý tai mũi họng mùa hè đa phần không nguy hiểm nhưng cần được chẩn đoán chính xác và can thiệp ngay khi cần, đặc biệt với trẻ nhỏ nhóm dễ mắc bệnh và bệnh diễn tiến rất nhanh. Nếu có một trong các dấu hiệu kể trên trở nặng, cần đưa con trẻ đến các cơ sở chuyên chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị kịp thời.
PGS.TS. BS Nguyễn Thị Hoài An
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh lý tai mũi họng, PGS Hoài An khuyến cáo mọi người cần tự giác vệ sinh tai mũi họng đều đặn mỗi ngày, đặc biệt với người hay đi bơi hay tiếp xúc nhiều khói bụi; có chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học để tăng cường miễn dịch và đề kháng; hạn chế sử dụng các đồ ăn, uống lạnh; không dùng chung đồ đạc, thức ăn với người đang mắc bệnh lý tai mũi họng; đặc biệt cần khám và điều trị dứt điểm bệnh tránh gây biến chứng.