Ngày 15/4, anh Trần, một ông bố đơn thân ở Quảng Đông (Trung Quốc) chia sẻ với báo giới nước này rằng cậu con trai 2 tuổi của anh bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Vibrio vulnificus do tiếp xúc với cá khi đi chợ hải sản cùng bà ngoại.
Theo đó, bà ngoại đưa cháu đi chợ cùng, cậu bé nhìn thấy và đã chơi đùa với con cá. Thấy cháu có vẻ thích thú với những con cá, bà quyết định mua cá và đưa cho cháu cầm đem về nhà.
Không ngờ, sau khi về nhà không bao lâu, cậu bé phát sốt, bàn chân phải sưng tấy, sau đó chuyển sau màu đen. Người cha nhanh chóng đưa con trai đến bệnh viện khám, và chẩn đoán của bác sỹ khiến gia đình bàng hoàng, sợ hãi.
Cậu bé phát sốt, bàn chân phải sưng tấy, sau đó chuyển sau màu đen. Ảnh: QQ.
Bác sỹ cho biết bé Thẩm bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" Vibrio Vulnificus, phải điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt, tình hình rất nghiêm trọng. Bệnh viện đã cố gắng hết sức để cứu bàn chân phải cho cậu bé, nhưng trong tương lai nếu tình trạng không khả quan, các bác sỹ sẽ buộc phải phẫu thuật cắt cụt chi để giữ tính mạng cho bệnh nhi.
Nguyên nhân bé Thẩm nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" được cho là do cậu bé tiếp xúc với cá chết khi theo bà đi chợ, virus xâm nhập khi bé xách túi cá nhiễm khuẩn.
Nghĩ đến điều này, ông bố đơn thân của bé tự trách mình không làm tròn trách nhiệm chăm sóc con cái. Cảnh tượng con trai khóc lóc đau đớn khi bị chạm vào vùng bị tổn thương trong quá trình khám bệnh khiến anh cực kỳ đau lòng.
Chi phí 5 ngày điều trị cho cậu bé vượt quá con số 80 nghìn nhân dân tệ (khoảng 281 triệu đồng), khiến gia đình nhỏ khốn đốn.
Các trường hợp nhiễm Vibrio vulnificus không phải là hiếm. Vào tháng 7/2023, một người đàn ông ở Quảng Đông (Trung Quốc) vô tình bị xương cá rô phi đâm vào ngón tay nhưng không tìm cách điều trị y tế cho đến khi cảm thấy khó chịu.
Vi khuẩn Vibrio vulnificus còn được gọi là "sát thủ đại dương".
Bác sĩ phát hiện ngón giữa của người đàn ông có màu đen, khớp ở lòng bàn tay sưng tấy và toàn bộ bàn tay sưng đỏ. Điều nguy hiểm hơn nữa là người đàn ông này còn bị sốc nhiễm trùng. Để cứu sống người đàn ông, các bác sĩ đã phải cắt cụt ngón tay bị hoại tử. Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác nhận người đàn ông bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus.
Vào ngày 15/4 vừa qua, một người đàn ông 62 tuổi ở Ma Cao (Trung Quốc) đã đến khoa cấp cứu của bệnh viện vì sốt, đau bụng và tiêu chảy. Quá trình khám sức khỏe không có vết thương rõ ràng, 2 ngày sau tình trạng người này trở nên tồi tệ hơn. Ông được chẩn đoán nhiễm Vibrio vulnificus và sốc nhiễm trùng.
Vi khuẩn Vibrio vulnificus còn được gọi là "sát thủ đại dương", có thể tiếp cận con người qua nước biển và sinh vật biển, xâm nhập cơ thể con người qua vết thương hở. Người nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" này dễ bị loét da, hoại tử mô, nhiễm trùng huyết, viêm dạ dày, ruột.
Mặc dù Vibrio vulnificus nguy hiểm nhưng thực tế nó hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Trước hết, hãy đeo găng tay và các thiết bị bảo hộ khác khi xử lý cá, tôm, cua và các loại hải sản khác, thứ hai, nếu vô tình bị chích, hãy rửa sạch bằng nước càng sớm càng tốt, vắt hết máu ra khỏi vết thương, sau đó bôi iodophor thường xuyên sau khi tay khô. Để khử trùng, bạn có thể bôi một ít thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ và quan sát trong một thời gian. Nếu vết thương sưng tấy rõ ràng, bạn nên đến bệnh viện ngay và kể với bác sĩ về trải nghiệm bị cá, tôm, cua chích để có thể nhanh chóng xác định và xử lý.
Nghiên cứu cho thấy những người mắc các bệnh mãn tính như xơ gan do rượu, bệnh gan tiềm ẩn, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, suy thận mãn tính hoặc thói quen lạm dụng rượu có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn người bình thường.