Người lao động thông tin, trong đơn, bà Lan cho rằng bà không chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Bà Lan trình bày các nguyên nhân khách quan trong việc tham gia tái cơ cấu SCB dẫn đến có rủi ro, nhưng không chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Ngoài kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan, hiện cũng có 50 bị cáo khác đã có đơn kháng cáo gửi cho tòa án.
TAND TP.HCM đang tập hợp các đơn kháng cáo của các bị cáo, người liên quan đến vụ án.
Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử, ngày 11/4, tòa tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Chung vụ án, HĐXX cũng phạt 4 án chung thân đối với 4 bị cáo đồng phạm. Chồng bà Lan là bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, quốc tịch Hồng Kông) bị tuyên phạt 9 năm tù; bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor, cháu ruột bị cáo Lan) bị tuyên phạt 17 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù. Trong số này có 17 bị cáo được tuyên án treo và trả tự do ngay tại tòa.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: Tiền phong)
Tòa xác định thiệt hại của vụ án là 677.000 tỷ đồng tính đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án). Tuy nhiên, đến nay có một số khoản vay liên quan đến bà Lan và Vạn Thịnh Phát đã được tất toán, bị cáo Lan cũng nộp thêm một số tiền khắc phục hậu quả nên còn bồi thường gần 674.000 tỷ đồng.
Tiền phong cho hay, bản án sơ thẩm xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng có hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho SCB, là nguyên nhân SCB rơi vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang trong người dân, xói mòn niềm tin của nhân dân.
Bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội. Bị cáo Lan đã phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức.