Mới đây, sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thông qua kế hoạch tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cơ sở mầm non chuẩn bị cơ sở vật chất để đón trẻ trở lại trường. Ảnh: VOV
Cụ thể, từ ngày 7/2 (mồng 7 Tết), học sinh khối 9 và khối 12 sẽ tiếp tục tới trường học tập trực tiếp vào buổi sáng. Học sinh các khối 10, 11; khối 6, 7, 8 và toàn bộ học sinh tiểu học tiếp tục học tập trực tuyến.
Cũng trong thời gian này, các trường mầm non vệ sinh trường lớp, chuẩn bị các điều kiện đón học sinh đi học trở lại.
Từ ngày 14/2, học sinh khối 9 và 12 duy trì học trực tiếp vào buổi sáng; học sinh khối 6, 7, 8 và khối 10, 11 cũng bắt đầu đến trường học tập trực tiếp trên cơ sở chia buổi (sáng, chiều) cho phù hợp.
Đối với cấp tiểu học, khối lớp 1 tới trường học tập trực tiếp vào buổi sáng, khối lớp 2 vào buổi chiều; các khối 3, 4, 5 vẫn học trực tuyến.
Riêng bậc mầm non, trẻ 5 tuổi được đến trường học trực tiếp.
Từ ngày 21/2, toàn bộ học sinh các cấp học được tới trường học tập trực tiếp theo kế hoạch, thời khóa biểu của nhà trường, bảo đảm an toàn trường học.
Trao đổi với VOV, bà Trần Thị Ngọc Châu- Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, các địa bàn xác định cấp độ dịch cấp 1 (nguy cơ thấp, bình thường mới) và cấp độ dịch cấp 2 (nguy cơ trung bình) mới được tổ chức dạy học trực tiếp.
Trong quá trình dạy học trực tiếp, các địa bàn này vẫn phải củng cố hạ tầng, công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học trực tuyến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đối với các địa phương đang ở cấp độ dịch cấp 3 (nguy cơ cao) thì tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, dạy trên truyền hình cho bậc học phổ thông, cao đẳng, đại học.
Cũng theo vị lãnh đạo sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trước khi đi học trực tiếp trở lại, toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động và học sinh được xét nghiệm nhanh COVID-19 để bảo đảm an toàn trường học.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống dịch tại trường để xử lý các tình huống có liên quan tới COVID-19. Nhà trường tập trung hoàn thành nội dung cốt lõi, tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian, bảo đảm quy định của chương trình.
Ngoài Bà Rịa- Vũng Tàu, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã điều chỉnh lịch học trực tiếp của học sinh sau dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, chiều ngày 5/2, UBND TP.Hà Nội đã quyết định cho học sinh lớp 12 toàn TP và học sinh lớp 9 ở vùng ngoại thành quay lại nhịp học tập bình thường.
Ngày 8/2, toàn bộ học sinh từ lớp 7 đến lớp 11 ở khu vực được đánh giá dịch cấp độ 1 và cấp độ 2 đến trường trực tiếp. Bậc mầm non vẫn chưa được đến trường. Thời gian đầu, tất cả cấp học đều chưa được tổ chức bán trú, chỉ dạy một buổi/ngày.
Đối với học sinh tiểu học và lớp 6 ở 18 huyện, thị xã sẽ được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10/2.
Hà Nội vẫn quy định việc dạy học trực tiếp chỉ tổ chức ở địa bàn dịch ở cấp độ 1, 2. Các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3 và 4 tổ chức dạy học trực tuyến. Học sinh cư trú tại 2 khu vực này không đến trường học mà ở nhà học online. Nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên giảng dạy cho các em.
Để đón học sinh trở lại trường học trực tiếp, các cơ sở giáo dục phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo các tiêu chí tại hướng dẫn liên ngành trước đó.
Chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống cán bộ, giáo viên, nhân viên là F0, tổ chức vệ sinh môi trường, khử khuẩn sau mỗi buổi học.
Giáo viên phải tiêm đủ liều vaccine mới đến trường dạy học trực tiếp. Những người còn lại dạy trực tuyến.
UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình, diễn biến dịch tại các địa phương để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; phối hợp sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức cho học sinh trở lại trường học.
Bạch Hiền (t/h)