Với các học trò tiểu học, môn tập làm văn không chỉ giúp các em trau dồi kỹ năng viết mà còn kích thích tư duy sáng tạo, quan sát... Tuy nhiên, do ở lứa tuổi ngây thơ và trong sáng, nhiều em nhỏ đã sáng tác những áng văn khiến người lớn phải cười ngất.
Chẳng hạn như trường hợp bài làm văn của em học sinh tiểu học dưới đây. Cụ thể, mạng xã hội lan truyền bài làm văn miêu tả công việc của mẹ, ai đọc xong bài văn này cũng phải "há hốc mồm" vì có quá nhiều chi tiết bất ngờ.
Nguyên văn bài làm như sau:
"Mẹ em làm nghề bán hàng ngoài chợ. Thỉnh thoảng em lại ra phụ mẹ bán hàng. Có hôm khách chọn tôm, cá mãi nhưng không mua, mẹ tức quá xắn quần sắn áo cãi tay đôi đánh nhau với khách. Mẹ nói, tao chưa bắt nạt ai thì thôi chứ đừng ai bắt nạt được tao.
Những lúc ấy em thấy mẹ thật là ngầu, như một hiệp sĩ. Trong mắt em, mẹ thật uy quyền và trượng nghĩa. Em rất yêu và nể phục mẹ!".
Dưới sự quan sát tỉ mỉ, bạn học sinh này đã miêu tả hình ảnh người mẹ với công việc bán hàng thường ngày rất sinh động. Cuối câu, học trò nhỏ tiếp tục bày tỏ tình cảm với mẹ: "Em rất yêu và nể phục mẹ". Có lẽ, người mẹ sau khi đọc xong bài viết này cũng không giấu được niềm xúc động khi đứa con dành thật nhiều tình cảm cho mình.
Bài viết này sau khi xuất hiện trên mạng xã hội lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Người đọc tỏ ra vô cùng thích thú trước màn tả thực của em học sinh này. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng người mẹ cần chú ý về cách ứng xử của bản thân trong đời sống, bởi mỗi hành vi dù tốt hay xấu của cha mẹ đều trở thành hình mẫu cho các con quan sát và học theo.
Một số bình luận đáng chú ý:
"Đúng là trẻ em không biết nói dối, bài văn tả thực đến độ mình hình dung ra hình ảnh người mẹ 'ghê gớm' như nào rồi đó";
"Nghĩ sao viết vậy, văn phong đúng lứa tuổi, những bài viết như vậy cần được ghi nhận bởi các con đã có công quan sát rất tỉ mỉ";
"Người mẹ nếu đọc được bài văn của con thì cần chú ý mỗi khi hành xử trước mặt trẻ nhé";
"Có lẽ người khó xử nhất ở đây là giáo viên chấm bài mọi người nhỉ".
Linh Chi (T/h)