Bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam tại Bình Dương). Bà Hằng là một nữ doanh nhân người Canada gốc Việt và hiện đang sống tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan công an.
Vào năm 2021, bà đã được nhiều người biết đến qua những buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội tố cáo “thần y” Võ Hoàng Yên và một số nhân vật có tiếng trong trong giới giải trí.
Ngày 16/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng.
Đến tối ngày 24/3, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam bà về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015. Công an cùng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đến khám xét nhà bà Hằng tại quận 3 sau đó vài giờ.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam tại Trại T16, Công an TP Hồ Chí Minh, thời hạn bị tạm giam trong 3 tháng theo đúng quy định của pháp luật. Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố ở khung hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều người đặt câu hỏi, trong trường hợp bà Phương Hằng mang 2 quốc tịch thì xử lý ra sao? Giải đáp câu hỏi này, Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại khoản 1, Điều 5 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ áp dụng BLHS của Việt Nam để giải quyết.
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội).
Căn cứ khoản 2, Điều 5 BLHS, người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được áp dụng Điều ước Quốc tế hoặc Tập quán Quốc tế khi họ thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch, người có 2 quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người có một quốc tịch.
Luật sư Hiền cho biết: Trường hợp người Việt Nam có 2 quốc tịch mà phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì nguyên tắc xử lý như sau: Người phạm tội trước hết vẫn là công dân Việt Nam nên sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để xử lý hành vi phạm tội. Trong trường hợp quốc gia mà người Việt Nam mang quốc tịch thứ 2 áp dụng chế độ bảo hộ công dân và nước này có ý kiến can thiệp thì lúc đó sẽ giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 BLHS như vừa phân tích ở trên.
Gần đây dư luận không khỏi xôn xao trước vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố theo khoản 2 Điều 331 BLHS về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
“Trường hợp nếu bà Phương Hằng đang có hai quốc tịch và cơ quan Công an TP.HCM đủ căn cứ xác định bà Hằng có hành vi phạm tội nhưng bà Hằng không thuộc trường hợp được hưởng quyền miễn trừ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 BLHS thì đương nhiên cơ quan tố tụng sẽ áp dụng BLHS của Việt Nam để xử lý một cách nghiêm minh, khách quan, đúng người, đúng tội”, Luật sư Hiền cho hay.
P.V