Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và chuyện cảm động về chiếc gối kỷ vật của con trai

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đằng sau những đau thương, mất mát của má là cả một câu chuyện cảm động về chiếc gối thêu của người con trai cả.

(ĐSPL) - Sinh được sáu người con, năm người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, má Bích chỉ còn duy nhất người con gái út sống sót qua chiến tranh.

Đằng sau những đau thương, mất mát của má là cả một câu chuyện cảm động về chiếc gối thêu của người con trai cả. Chiếc gối ấy sẽ kể mãi một chuyện tình nửa vầng trăng khuyết của người chiến sỹ anh dũng...

Chiếc gối kỷ vật

Năm người con là liệt sỹ

Từ TP.Quảng Ngãi, chúng tôi đi ngược về hướng nam chừng 40km để tìm đến nhà má Nguyễn Thị Bích (ngụ thôn 2, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Căn nhà nằm sát Quốc lộ 1 ở xã Đức Tân (huyện Mộ Đức), là nơi sinh sống của má Bích cùng gia đình người con gái út Huỳnh Thị Cam (60 tuổi), từ ngày đất nước thống nhất đến nay.

Má Bích có sáu người con, thì năm người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên bàn thờ nhà má có năm bức hình – năm khuôn mặt tươi rói tuổi học trò. Má bảo đó là ảnh các con má chụp tặng cha trước khi ông ra Bắc tập kết.

Những bức ảnh ấy còn được là nhờ sau ngày giải phóng chồng má mang về, giờ là ảnh thờ các anh. Ở tuổi 91 nhưng má Bích vẫn còn khá minh mẫn. Đôi mắt nhìn xa xăm, má bồi hồi nhớ lại những câu chuyện đau thương mấy chục năm về trước.

Cũng như bao người dân yêu nước khác, khi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, má Bích cùng chồng là ông Huỳnh Bính tích cực tham gia hoạt động cách mạng.

Năm 1954, chồng má tập kết ra Bắc. Một mình má ở lại chờ chồng, chăm sóc mẹ già bị mù và nuôi dạy 6 đứa con khôn lớn. Nhưng từ năm 1955, dưới ách kìm kẹp của Mỹ - Diệm với những chiến dịch "tố cộng" đẫm máu cùng các khẩu hiệu "diệt cán, trừ cộng", "dĩ dân, diệt cán", chúng trắng trợn khủng bố, trả thù những người tham gia kháng chiến cũ, gia đình có người thân đi tập kết.

Má Bích cùng các con đều nằm trong sổ đen của bọn chúng. Lúc này, má Bích phải địu cô con gái út Huỳnh Thị Cam chưa tròn 1 tuổi trên lưng, dẫn theo mẹ già và năm người con đi chạy trốn khắp nơi.

 "Chỉ trong năm ngày, chúng lần lượt bắt mẹ tôi, tôi và các con nhốt vào nhà lao. Tôi và đứa con gái út bị giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Chúng tra tấn, đánh đập tôi rất dã man. Bắt phải khai ra chồng tôi ở đâu, nhưng dù bị đánh thế nào tôi vẫn không khai", má Bích kể.

Cuối năm 1960, sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, căn bản làm tan rã và tê liệt chính quyền cơ sở địch ở nông thôn nhiều vùng nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi giành được chính quyền. Má Bích cùng các con được thoát khỏi nhà tù.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt sau đó, má Bích vượt qua khó khăn nuôi dạy con cái trưởng thành và lần lượt tiễn đưa năm người con lên đường tham gia hoạt động cách mạng. Còn má và cô con gái út ở lại bám trụ quê hương, tiếp tế lương thực cho bộ đội, du kích và nuôi giấu cán bộ.

Ngay trong nhà má có một căn hầm bí mật, là nơi các cán bộ nòng cốt huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) thường xuyên tổ chức họp hành. Các con của má đã tham gia chiến đấu nhiều trận, bám đất, bám dân, giữ vững cơ sở cách mạng. Nhưng rồi chiến tranh đã lần lượt cướp đi năm người con thân yêu của má.

Anh Huỳnh Văn Thá, người con trai thứ năm, là du kích xã Phổ Văn (huyện Đức Phổ) hy sinh cuối năm 1968. Anh Huỳnh Ngôn, con trai thứ hai, là bộ đội tỉnh Quảng Ngãi thuộc đơn vị 506A Đặc công. Anh hy sinh năm 1969 khi đánh trận Đá Trắng ở Mộ Đức, đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ.

Chị Huỳnh Thị Hường, du kích xã Phổ Văn hy sinh năm 1969; anh Huỳnh Dũng, Xã đội trưởng - Chỉ huy du kích đánh địch ở trục lộ 1, hy sinh năm 1970; và anh Huỳnh Văn Khả, con trai cả, Huyện ủy viên Đức Phổ, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Văn, hy sinh năm 1971.

"Trong chiến tranh khốc liệt, không gia đình nào tránh được đau thương mất mát. Tôi mất đi năm người con, nỗi đau là rất lớn nhưng vô cùng vẻ vang. Con của tôi và của nhiều người mẹ khác đã góp phần tạo nên niềm vui thống nhất đất nước", má Bích nói đầy tự hào.

Chiếc gối thêu đôi bướm tím...

Gần 50 năm trôi qua, má Bích vẫn nhớ như in những kỷ niệm về năm người con thân yêu của mình. Chiều nào cũng vậy, má lại ra trước sân nhà, đưa mắt nhìn về hướng huyện Đức Phổ- nơi mà các con của má đã nằm xuống.

Theo lời chị Cam: "Má tôi dễ xúc động lắm, mỗi khi nghe ai đến thăm, nhắc đến các anh, các chị, má lại khóc. Dường như càng về già, ký ức ấy hiện lên càng rõ hơn, chi tiết hơn trong đầu má tôi". Nhấp một ngụm trà nóng, má Bích kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về chiếc gối thêu của người con trai đầu Huỳnh Văn Khả.

Chiếc gối là kỷ vật vô cùng thiêng liêng mà má đã cất giữ và trao tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Má kể, trước khi hy sinh, anh Khả đã có người yêu tên Hạnh, là cô du kích ở làng bên. Đôi trai gái hẹn cưới vào mùa trăng. Nhưng trăng chưa kịp tròn, lúa chưa kịp gặt, thì công việc chuẩn bị cho đám cưới đột ngột bị ngừng, vì anh Khả bị địch bắt vào năm 1968.

Trong nhà lao Quảng Ngãi, anh đã thêu một đôi gối có bông hoa, đôi bướm tím và tên hai người. Đôi gối ấy, anh gửi về cho má, dặn má chuẩn bị lo đám cưới sau khi anh vượt ngục. Đến năm 1969, anh vượt ngục trở về thì chị Hạnh lại bị địch bắt giam ở nhà tù Côn Đảo.

Mùa lúa gặt về, mùa trăng đầy, lại khuyết, đám cưới mãi dở dang vì anh đã mãi mãi không về. Anh hy sinh năm 1971, trong cuộc họp cấp uỷ huyện Đức Phổ, hầm của anh trúng bom giặc thả. Anh hy sinh khi người vợ sắp cưới vẫn còn bị giam trong tù.

Đưa tay lau vội những giọt nước mắt, má Bích chia sẻ: "Tình yêu của hai đứa đẹp lắm, cả hai cùng chung chí hướng chiến đấu vì hòa bình đất nước. Hai đứa gặp nhau trong chiến trường rồi yêu nhau. Định đến ngày thống nhất, bố chúng từ miền Bắc trở về, gia đình sum họp rồi hai đứa sẽ cưới nhau. Nhưng thời buổi bom rơi đạn lạc nên hai gia đình quyết định gặp nhau rồi hẹn ngày cưới cho đôi trẻ. Nhưng ai ngờ...".

Nỗi đau mất mát những người con ruột thịt quá lớn. Nén nỗi đau, hàng ngày má nâng niu, trân trọng kỷ vật còn sót lại của con trai cả, lấy đó làm niềm tin tiếp tục sống, chờ ngày hòa bình để gặp lại chồng.

Năm 1975, đất nước thống nhất, ông Huỳnh Bính từ Vĩnh Linh - Quảng Trị trở về. Ông vô cùng đau xót khi hay tin năm người con lần lượt hy sinh. Để động viên, an ủi chồng, má Bích lấy chiếc gối thêu này cho ông gối đầu, chiếc gối còn lại, má gửi tặng chị Hạnh.

Thời gian đã làm chiếc gối thêu mục rách, nhưng tên anh Khả vẫn còn đó. Má Bích đã cất giữ nó rất cẩn thận cho đến ngày 8/8/1994 trao tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Hiện nay chiếc gối thêu - kỷ vật của má Nguyễn Thị Bích được trưng bày trang trọng ở phòng trưng bày "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng" với số đăng ký 7681.

Chiếc gối thêu đã sờn, rách, người thêu chiếc gối đã mang theo mối tình đầu ra đi. Đám cưới mãi dở dang, anh đã hy sinh vì đất nước, để lại nỗi đau khôn nguôi trong lòng người mẹ anh hùng. Chiếc gối thêu sẽ kể mãi câu chuyện tình nửa vầng trăng khuyết của người chiến sỹ anh dũng.

Niềm mong ước lớn nhất của má lúc này là tìm được phần mộ của người con trai thứ Huỳnh Ngôn, là bộ đội tỉnh Quảng Ngãi thuộc đơn vị 506A Đặc công. Anh hy sinh năm 1969 khi đánh trận Đá Trắng ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi).

Gia đình có truyền thống cách mạng

Ông Nguyễn Văn Từ, Chủ tịch UBND xã Đức Tân cho biết: Bà Nguyễn Thị Bích là một trong những người mẹ đầu tiên ở huyện Mộ Đức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Gia đình bà Bích là gia đình có truyền thống cách mạng tiêu biểu ở địa phương. Chồng bà là bộ đội tập kết ra Bắc, hai người anh chồng là bộ đội tại địa phương, năm người con của bà đều đã hy sinh trong chiến tranh, người con gái út là du kích xã, còn bà là người nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực.

DƯƠNG KHA

Xem thêm video: 

[mecloud]xTDvD6xnT6[/mecloud]

Tin nổi bật