Bộ Quốc phòng Australia cho biết, ngày 17/2 vừa qua, khi máy bay quân sự P-8A Poseidon của Australia đang đi tuần tra quanh khu vực bờ biển phía Bắc Australia thì bị 1 trong 2 tàu hải quân khu trục Trung Quốc PLA-N Lư Dương (Luyang) chiếu tia laser vào, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bức ảnh chụp 2 tàu khu trục PLA-N Luyang của Trung Quốc ngày 18/2
Thủ tướng Scott Morrison cho biết chính phủ Canberra sẽ yêu cầu Bắc Kinh giải thích về hành động này. Ông Morrison đánh giá hành động này là “vô cớ và không chính đáng”: "Chúng tôi chỉ có thể coi đó là hành động đe dọa từ phía Trung Quốc. Australia sẽ không bao giờ chấp nhận những hành động đe dọa như vậy”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Peter Dutton tuyên bố đây là “hành động rất hung hăng” diễn ra trên vùng đặc quyền kinh tế của Australia. Trên kênh Sky News (Anh), ông Dutton nêu rõ : “Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc lầm tưởng sẽ không ai lên tiếng về hành động hung hăng này”.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Australia, vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu hải quân của Trung Quốc đang tiến về phía Đông vùng biển Arafura. Đây là vùng biển nằm ở phía Bắc thành phố Darwin của Australia, giáp với 2 quốc đảo Indonesia và Papua New Guinea.
Các nhà chức trách Trung Quốc hiện vẫn chưa có phản hồi trước cáo buộc của Australia.
Trước đó, chính phủ Canberra cũng cáo buộc Trung Quốc đã nhắm tia laser vào trực thăng của lực lượng không quân Australia vào năm 2019 tại Biển Đông, khu vực có căng thẳng tăng cao trong vòng nhiều năm nay.
Biển Đông là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và là cửa ngõ giao thương quốc tế. Hiện tại, đã có Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở khu vực này. Trong đó, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển.
Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang xấu đi sau khi Canberra cấm tập đoàn công nghệ Huawei tham gia lắp đặt mạng 5G ở nước này vào năm 2018, và kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Khuê Hiền (Theo Le Figaro)