Chim bồ câu không chỉ là vật nuôi hiền lành, dễ nuôi mà còn có nhu cầu thị trường rất lớn. Mặc dù mô hình nuôi chim bồ câu đang phát triển mạnh mẽ ở nông thôn những năm gần đây, nhưng nguồn cung vẫn chưa theo kịp nhu cầu.
Nhận thấy tiềm năng này, anh Trần Văn Phong ở thôn 1, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi chim bồ câu quy mô trang trại và đạt được thành công đáng kể.
Anh nông dân Trần Văn Phong lãi 1 tỷ nhờ nuôi chim bồ câu.
Thông tin trên tờ Lao động Thủ đô, cơ duyên đến với nghề nuôi chim bồ câu của anh Phong bắt đầu từ một chương trình tivi giới thiệu về một trang trại chim bồ câu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bị thu hút bởi mô hình này, anh Phong đã tự tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu về kỹ thuật nuôi chim bồ câu.
Không dừng lại ở đó, anh còn đến tận các trang trại thành công để học hỏi kinh nghiệm thực tế và dành nhiều thời gian tìm hiểu về đặc tính sinh học của loài chim này trên internet. Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, anh đã xây dựng một kế hoạch kinh doanh chi tiết.
Vào cuối năm 2010, với số vốn ban đầu hơn 200 triệu đồng cùng sự ủng hộ của gia đình, anh Phong đã xây dựng chuồng trại và mua 200 cặp chim bồ câu Pháp để nuôi theo mô hình công nghiệp trên diện tích hơn 2.000m2. Anh áp dụng phương pháp nuôi kết hợp, với 50% tổng đàn được nuôi trong lồng công nghiệp và 50% còn lại trong nhà lưới.
Anh Phong chia sẻ, để nuôi chim bồ câu sinh sản đạt hiệu quả cao, cần chú trọng toàn bộ quy trình, đặc biệt là khâu chọn giống và chăm sóc chim bố mẹ. Anh ưu tiên giống dễ nuôi, nhanh lớn, mắn đẻ, ít bệnh, chăm con tốt, phù hợp với điều kiện địa phương.
Để tăng tỷ lệ nở và sức khỏe chim non, anh dùng máy ấp trứng thay vì ấp tự nhiên. Trứng thật được đưa vào máy, trứng giả thay thế để chim bố mẹ tiếp tục ấp và tiết sữa. Chim non nở sẽ được trả lại chuồng cho bố mẹ nuôi. Ngoài ra, anh còn áp dụng phương pháp ghép con để tăng năng suất.
Trang trại chim bồ câu của anh Phong. Ảnh: Lao động Thủ đô
Hiện trại anh có hơn 7.000 đôi chim sinh sản và hậu bị. Chế độ chăm sóc hợp lý với thức ăn là thóc, ngô và cám theo tỷ lệ phù hợp. Để đạt năng suất cao, anh dồn trứng của 3 đôi chim đẻ cùng lúc vào máy ấp, sau đó tăng khẩu phần ăn để chim nhanh đẻ lại.
Chim bồ câu sinh sản nhanh, mỗi năm 6-8 lứa. Anh xuất bán chim giống sau khoảng 1 tháng rưỡi và chim thịt sau 20-25 ngày. Để đảm bảo nguồn cung, anh thu mua thêm từ các hộ khác đã được anh hướng dẫn kỹ thuật.
Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi thêm gà, lợn để tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, mỗi năm anh thu về khoảng 1 tỷ đồng.
Dù nhỏ bé, chim bồ câu lại là nguồn nguyên liệu đa dạng cho ẩm thực, từ hầm, chiên đến nấu lẩu. Món nào cũng mang hương vị đặc trưng mềm mại, thơm ngon và béo ngậy, để lại ấn tượng khó phai cho người thưởng thức.
Trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa lâu đời, thịt chim bồ câu luôn được xem là "thực liệu thảo mộc" quý giá, thậm chí còn được cho là bổ dưỡng gấp 9 lần thịt gà.
Chim bồ câu, hay còn gọi là chim câu, bồ câu nhà, thuộc họ chim gáy. Theo Đông y, thịt chim bồ câu có tính bình, vị mặn, giàu dinh dưỡng, thơm ngọt, rất tốt cho người già, trẻ em, người bệnh và sản phụ.
Chim bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao bổ gấp 9 lần thịt gà, được mệnh danh là "thuốc bổ thượng phẩm". Ảnh minh họa
Nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt chim bồ câu thuộc loại thịt trắng, rất có lợi cho sức khỏe. Với hàm lượng protein cao (22% - 24%) và chất béo thấp (khoảng 1%), thịt chim bồ câu đặc biệt phù hợp với người trung niên, cao tuổi, người béo phì, người có mỡ máu cao, bệnh tim mạch và tiểu đường.
Hơn nữa, thịt chim bồ câu còn chứa nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin A, E, B và D... với hàm lượng cao gấp 2-3 lần so với các loại thịt gia cầm khác.