Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Anh dự kiến tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 hàng năm giống bệnh cúm mùa

(DS&PL) -

Chính phủ Anh hiện đang cân nhắc việc tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 hàng năm cho người dân giống như tiêm vaccine ngừa bệnh cúm mùa.

Theo Guardian, Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêm chủng phòng chống đại dịch COVID-19 của Anh, ông Nadhim Zahawi cho biết người dân có thể được tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 hàng năm cùng với mũi vaccine ngừa bệnh cúm mùa.

Được biết, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo rằng hệ thống NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh) có khả năng sẽ phải chịu áp lực nặng nề từ các bệnh theo mùa cũng như số ca mắc COVID-19 tăng cao tại Anh. Theo đó, ông Zahawi kỳ vọng việc tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 sẽ là "mảnh ghép cuối cùng" để giúp Anh vượt qua mùa đông mà không phải áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt. 

Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêm chủng phòng chống dịch COVID-19 của Anh, ông Nadhim Zahawi. Ảnh: Standard UK

Chia sẻ với BBC, ông Nadhim Zahawi cho biết: "Nếu có thể, chúng tôi sẽ cố gắng để đồng nhất việc tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 với việc tiêm vaccine ngừa bệnh cúm mùa hàng năm. Trong đó, các phòng khám đa khoa (GP) và nhân viên y tế, trụ cột của chương trình này, có thể trực tiếp tiêm vaccine cho đông đảo người dân".

Ông nói thêm: "Đây có lẽ sẽ là mảnh ghép cuối cùng giúp chúng ta chuyển COVID-19 từ đại dịch trở thành một căn bệnh truyền nhiễm thông thường và tôi hy vọng sang năm, chúng ta có thể đối phó với căn bệnh này bằng chương trình tiêm chủng hàng năm như những gì chúng ta đang làm với bệnh cúm".

Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêm chủng chống đại dịch COVID-19 của Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi sắp bắt tay vào một chiến dịch tiêm vaccine tăng cường và một chương trình tiêm phòng cúm. Tôi lo ngại về bệnh cúm, trong một năm tồi tệ, chúng ta có thể mất tới 25.000 người vì bệnh này".

Giáo sư Ravi Gupta, một thành viên của Nhóm tư vấn về các mối đe dọa từ các căn bệnh do virus (Nervtag) nhận định đại dịch COVID-19 có thể sẽ tiến triển xấu vào mùa đông và không loại trừ khả năng chính phủ sẽ phải áp đặt trở lại những hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa toàn bộ đất nước.

Bên cạnh vấn đề tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa COVID-19, ngày 14/9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố kế hoạch tiêm liều bổ sung vaccine ngừa COVID-19 đối với nhóm người trên 50 tuổi. Bên cạnh đó, nội các của ông Johnson nêu thêm một vài biện pháp phòng dịch mới sẽ được áp dụng bao gồm tiêm chủng cho những người chưa được tiêm vaccine và tiêm chủng với nhóm trẻ em từ 12-15 tuổi.

Anh đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Ảnh: Getty

Giáo sư Anthony Harnden, Phó chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng và Miễn dịch, người từng phản đối việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, mới đây thừa nhận việc chậm trễ phê duyệt tiêm chủng sẽ gây ra "sự không chắc chắn, do dự và tranh cãi" giữa các gia đình về vấn đề này. 

Nói thêm về kế hoạch tiêm chủng cho cho trẻ em, ông Zahawi nhấn mạnh trẻ em sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo mong muốn của cha mẹ sau khi đã trao đổi với bác sĩ. 

Ông phân tích: "Trong một số trường hợp hiếm gặp về sự khác biệt trong quan điểm giữa cha mẹ và con cái, ví dụ như cha mẹ không muốn cho con họ tiêm vaccine nhưng những đứa trẻ lại mong muốn làm điều này, họ sẽ được sắp xếp để gặp và trao đổi với bác sĩ. Bước đầu, bác sĩ sẽ cố gắng thuyết phục để 2 bên đều đồng thuận với việc tiêm chủng".

Trong trường hợp 2 bên không thể cùng đồng thuận, trẻ em có thể làm bài kiểm tra năng lực Gillick để xác định các em có đủ năng lực tự quyết hay không. Nếu vượt qua bài kiếm tra này, trẻ em sẽ được quyền tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngay cả khi cha mẹ các em phản đối. Được biết, bài kiểm tra năng lực Gillick là một thuật ngữ y tế xuất phát từ Anh và xứ Wales, sử dụng trong luật y tế để quyết định liệu một đứa trẻ (dưới 16 tuổi) có thể đồng ý điều trị y tế đối với bản thân mà không cần sự cho phép của cha mẹ hay không.

Minh Hạnh (Theo Guardian

Tin nổi bật