Vào khoảng 13h ngày 19/7 (giờ địa phương), Văn phòng khí tượng Anh xác nhận nhiệt độ lên đến 40,2 độ C được ghi nhận tại sân bay Heathrow ở phía Tây thủ đô London. Con số này phá vỡ kỷ lục 38,7 độ C vào năm 2019.
Lính cứu hỏa oằn mình dập cháy rừng. Ảnh: Reuters
Nắng nóng khủng khiếp đang gây báo động đỏ ở nhiều vùng tại Anh, trong đó nhiều tuyến đường sắt đã ngừng hoạt động và trường học một số nơi đóng cửa. Tại sân bay Gatwick ở thủ đô London, đã có hành khách ngất xỉu vì nóng do không có điều hòa nhiệt độ.
"Đây là đợt nắng nóng nghiêm trọng có thể khiến mọi người tử vong. Đất nước chúng ta không chuẩn cho nắng nóng kiểu này”, Giám đốc điều hành Liên đoàn Y sĩ Anh - bà Tracy Nicholls nói.
Các chuyến bay đã bị đình chỉ tại sân bay Luton sau khi nhân viên xác định đường băng gặp sự cố. Thời tiết nắng nóng thậm chí làm tan chảy đường băng tại căn cứ không quân Brize Norton của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh.
Tờ The Sun tuyên bố xứ sở sương mù đã "nóng hơn cả sa mạc Sahara, Ấn Độ, Pakistan, Algeria, Ethiopia".
Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Anh phải ban hành “cảnh báo đỏ” do tình trạng nắng nóng được dự báo có thể vượt ngưỡng 41 độ C, mức cao nhất mà quốc gia này từng ghi nhận.
Cảnh báo đỏ phản ánh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, và các quan chức y tế nhấn mạnh rằng ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể bị ảnh hưởng. Người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại, tránh tập thể dục vào thời điểm nóng nhất trong ngày và mang theo nước.
Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, châu Âu đang chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, một phần do biến đổi khí hậu.
Đợt nắng nóng này đã nhấn chìm các khu vực phía Tây Nam châu Âu trong nhiều tuần. Những đám cháy ở Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã phá hủy hàng nghìn ha đất, cũng như buộc hàng nghìn người dân phải di tản.
Mộc Miên (Theo Theguardian)