Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ăn tiết canh kèm uống rượu mạnh diệt được sán?

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Nhiều người có thói quen uống rượu khi ăn đồ sống, tái, trong đó có tiết canh, với suy nghĩ nồng độ cồn cao sẽ tiêu diệt được ký sinh trùng. Điều này liệu có thực sự đúng.

Vnexpress dẫn lời bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, nhiều người có thói quen uống rượu khi ăn đồ sống, tái, trong đó có tiết canh, với suy nghĩ nồng độ cồn cao sẽ tiêu diệt được ký sinh trùng. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thực tế, nồng độ rượu khi vào dạ dày sẽ bị làm loãng nên không mang lại tác dụng. Các loài ký sinh trùng có thể tồn tại trong môi trường axit dạ dày nên bổ sung thêm gia vị chua, cay cũng không thể diệt trừ được chúng. Cách duy nhất có thể tiêu diệt ký sinh trùng là nấu chín thực phẩm. Tùy từng loại thực phẩm, thời gian chế biến sẽ khác nhau.

Mặt khác, ăn tiết canh đã được nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Tất cả tiết canh là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, gây tiêu chảy, tả, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán.

Không chỉ lợn bệnh mà ngay cả con vật khỏe mạnh cũng có thể chứa khuẩn liên cầu. Khi chọc tiết, vi khuẩn từ vùng họng con vật có thể vấy bẩn lên tiết canh. Các vi khuẩn sinh sôi nảy nở và xâm nhập vào các bộ phận khác như thịt, phổi. Dù được chế biến tại nhà, từ gia cầm nuôi, cũng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm.

Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng ở người

Nhiễm ký sinh trùng có thể âm thầm, hoặc có dấu hiệu cảnh báo nhưng dễ trùng lặp với rất nhiều bệnh lý thường gặp. Ngoài ra, bệnh nhiễm ký sinh trùng do đa dạng chủng loại nên cũng có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, người nhiễm ký sinh trùng có thể có những biểu hiện dưới đây:

Sốt kéo dài

Nhiễm ký sinh trùng thường có dấu hiệu sốt kéo dài, có thể sốt cao kèm cơ thể rét run hoặc có thể sốt trong thời gian ngắn rồi cắt cơn. Đôi khi sốt kèm đau bụng, tiêu chảy, chán ăn.

Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa hoặc có các biểu hiện tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng là dấu hiệu thường gặp ở người nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa, nhưng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác. Chất thải ký sinh trùng có thể gây táo bón, đầy hơi, buồn nôn cho người nhiễm bệnh.   

Biểu hiện ngứa hoặc nổi mề đay

Bệnh ký sinh trùng ở người sẽ gây ra một số vấn đề trên da như phát ban đỏ, chàm, dị ứng. Ngoài ra, các chất thải từ ký sinh trùng tích tụ trong da, lâu ngày dẫn đến sưng tấy, tổn thương da, viêm nhiễm.

Sụt cân, suy dinh dưỡng

Nhiễm ký sinh trùng gây ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột. Cơ thể người bệnh dễ gặp triệu chứng như táo bón, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, ngoài ra, một số loài ký sinh trùng hút máu, dinh dưỡng từ vật chủ sẽ khiến vật chủ sụt cân, thậm chí suy dinh dưỡng.

Ngứa vùng hậu môn

Ngứa hậu môn là đặc trưng của người nhiễm giun, đặc biệt là giun kim. Người nhiễm thường bị ngứa quanh hậu môn vào ban đêm, khi giun cái đẻ trứng.

Thiếu máu

Phần lớn ký sinh trùng sau khi ký sinh vào cơ thể người sẽ hút máu, của vật chủ để duy trì sự sống, phát triển và sinh sôi. Do đó, người nhiễm ký sinh trùng không được phát hiện có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Thay đổi tính cách

Nếu nhiễm ký sinh trùng, tâm lý của người bệnh sẽ thay đổi trở nên lo lắng, bất an, thậm chí ảnh hưởng thần kinh qua các biểu hiện kém tập trung, suy giảm trí nhớ.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). 

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Thùy Dung (T/h)

 

 

Tin nổi bật