Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ăn rau mầm sao cho bổ, tránh ngộ độc

(DS&PL) -

Là loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cao, rau mầm được nhiều người ưa thích nhưng loại rau này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Là loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cao, rau mầm được nhiều người ưa thích nhưng loại rau này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Rau mầm chứa nhiều loại vitamin thiết yếu (vitamin B, C, E…), amino axit và chất xơ cần thiết cho cơ thể với hàm lượng cao. Nhờ giàu vitamin, rau mầm giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giữ gìn làn da mịn màng tươi tắn, nguồn vitamin E dồi dào trong rau mầm còn giúp làm chậm quá trình lão hoá, tăng cường sinh lực, gây hưng phấn.

Rau mầm được nhiều người ưa chuộng. Ảnh minh họa

Rau mầm thường được dùng để chế biến thành các món như: Xào, trộn salad, lẩu, ăn kèm thịt, hải sản… Theo nhiều nghiên cứu khoa học, hàm lượng enzym có trong rau mầm cao gấp 100 lần so với rau quả tươi. Ngoài ra, lượng protein, axit béo, chất xơ trong rau mầm cũng rất đáng kể.

Các chuyên gia Mỹ phát hiện ra rằng rau mầm còn có thể làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa các nguy cơ về ung thư. Nhờ có chất antioxidants, rau mầm sẽ bảo vệ bạn tránh khỏi những hóa chất phóng xạ và độc hại, chúng giúp cơ thể tự tẩy rửa, tái tạo và chữa lành vết thương nhanh chóng.

Tuy nhiên, rau mầm cũng có những tác hại không mong muốn mà người tiêu dùng cần biết như sau:

Rau mầm gây ngộ độc

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rau mầm chính là nguyên nhân gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm ở Anh và Mỹ. Bởi hầu hết chúng đều được trồng trong môi trường ấm. Và đây là cơ hội thuận lợi để các loại vi khuẩn hình thành, phát triển.

Đồng thời, rau mầm còn có thể bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn do bảo quản không đúng cách sau quá trình thu hoạch. Ngoài ra, nguy cơ ngộ độc rau mầm còn có thể đến từ chính đặc tính sinh học của hạt giống.

Hạt giống có thể trở thành nguyên nhân khiến bạn ngộ độc khi ăn rau mầm. Ảnh minh họa

Cụ thể như trong mầm hạt đậu ván già có độc chất trypsin và sapo glucozite, mầm khoai tây có chứa độc chất solanine... Nếu ăn phải những độc tố này, bạn sẽ có nguy cơ bị ngộ độc với các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, tức ngực, chóng mặt… nặng hơn thì có thể nguy hiểm tính mạng.

Các loại rau mầm họ đậu giàu dưỡng chất, vitamin thúc đẩy quá trình phát triển và chống lão hóa nhưng một số đậu như đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim cũng có hàm lượng lớn glucozid sinh axit cyanhydric giống như trong măng và sắn nên ta không nên ăn rau mầm của những loại này.

Chỉ nên sử dụng các loại rau mầm đã được nghiên cứu chứng minh là ăn được như rau mầm củ cải trắng, mầm lạc, đậu tương, súp lơ, rau muống...

Một số cơ sở sản xuất rau mầm thường dùng chất kích thích tăng trưởng để ngâm cho hạt nảy mầm nhanh, cho cây mập hoặc hòa chất này vào nước tưới mỗi ngày. Trong trường hợp này rau không có đủ thời gian để giải phóng được các hoá chất tồn dư nên độc hại.

Cách chọn mua rau mầm và chế biến an toàn

Khi chọn mua rau mầm nên chọn sản phẩm có nguồn gốc, uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không mua những hộp rau có màu sắc lạ hay lá đã ngả vàng, thân, lá rau to xanh bất thường và quá bóng mượt hoặc gốc mọc ra rễ mới (điều này chứng tỏ rau có độc tố bảo quản). Rau mua về nên sử dụng ngay nếu cần bảo quản phải để trong hộp nhựa hoặc nilon khô ráo, thoáng khí ở nhiệt độ 4 - 5oC, tối đa 3 - 4 ngày.

Trước khi sử dụng nên rửa thật kỹ nhiều lần dưới vòi nước đang chảy để loại bỏ các nguy cơ, sau đó ngâm thêm trong nước muối loãng 10 - 15 phút để loại bỏ hóa chất. Rau mầm tốt nhất là được nấu chín, hạn chế ăn sống, nhất là đối với người già, trẻ em và người miễn dịch yếu càng không nên ăn sống loại rau này.

Không nên ăn rau mầm sống để tránh ngộ độc.

Không lạm dụng rau mầm

Tuy rất tốt cho sức khỏe nhưng bạn cũng không nên ăn rau mầm quá nhiều. Mỗi người chỉ nên ăn khoảng 50 – 60g rau mầm trong mỗi bữa ăn và ăn xen kẽ cùng với các loại rau, củ khác.

Lượng vitamin E trong rau mầm rất cao, nên cần hạn chế cho trẻ em độ tuổi thiếu niên ăn quá nhiều, bởi sẽ khiến thúc đẩy quá trình dậy thì nhanh không mong muốn.

Minh Khôi (T/h)

Tin nổi bật