Sự kiện hai tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ trong một loạt khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 đã làm dấy lên những câu hỏi về nguyên nhân sâu xa gây nên thảm kịch kinh hoàng này. 16 năm trôi qua, người dân trên toàn thế giới vẫn không thôi ám ảnh...
Nỗi ám ảnh toàn cầu
Vụ tấn công ngày 11/9 là sự kiện khủng bố đẫm máu nhất do thế lực nước ngoài gây ra tại Mỹ, khi có tới hơn 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương.
Trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden, kẻ từng sáng lập và dẫn dắt mạng lưới khủng bố al- Qaeda, đã mưu tính lao máy bay đâm vào một số tòa nhà ở Mỹ bao gồm tháp đôi ở New York.
Lâu nay động cơ của kẻ khủng bố này được người ta nhắc đến là nhằm phát động "cuộc thánh chiến" với Mỹ.
Tuy nhiên, trong bộ phim tài liệu có tựa đề "Road to 9/11" (Đường tới 11/9), có một động cơ khác, sau tội ác khủng khiếp của tên trùm khủng bố.
Bin Laden được cho là toan tính tấn công nước Mỹ vì những đổ vỡ trong hôn nhân. |
Theo hướng này, Osama bin Laden khủng bố nước Mỹ là vì muốn trút hận cá nhân. Trùm khủng bố cho rằng, Chính phủ Mỹ đã khiến hôn nhân của nhân vật này với các bà vợ đổ vỡ.
Bin Laden tức giận vì Mỹ buộc hắn phải rời khỏi quê hương Sudan để tới Afghanistan. Tại đây, trùm khủng bố phải sống trong nghèo khổ và cô độc.
Vì không muốn sống một cuộc đời lang bạt, khổ sở, người vợ thứ hai của bin Laden, vốn là một giảng viên đại học tên là Khadijah Sharif và con trai cả của tên trùm khủng bố đã trở về quê ngoại Saudi Arabia. Sau đó, một người vợ khác của tên này cũng bỏ hắn đi. Sự đổ vỡ hôn nhân khiến bin Laden có mối thù hận cá nhân với Mỹ.
"Hắn hận Mỹ không chỉ vì những hành động của nước này đối với thế giới Hồi giáo mà còn vì chuyện cá nhân. Cuộc đời hắn đã bị xáo trộn vì người Mỹ đã săn lùng hắn và ép hắn phải rời khỏi Sudan.
Mỹ đã đẩy hắn đến Afghanistan và cho rằng, hắn sẽ bị chôn vùi ở đây nhưng điều đầu tiên bin Laden làm sau khi tới Afghanistan là leo lên đỉnh một ngọn núi và viết một tuyên bố chiến tranh chống lại Mỹ", tác giả bộ phim tài liệu Steve Coll cho biết.
Sinh năm 1957 tại Saudi Arabia, ngay từ khi đang học đại học King Abdul Aziz, Osama bin Laden đã mang quan điểm Hồi giáo bảo thủ. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1990, bin Laden và đạo quân của y mới bắt đầu chuyển sang chống Mỹ.
Lý do khiến nhân vật này quay lưng với Washington là bởi có tới 300.000 lính Mỹ gồm cả nữ giới đồn trú tại Saudi Arabia.
Bin Laden cho rằng, việc Mỹ hiện diện quân sự tại nơi có những thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi này là sự báng bổ đối với đạo Hồi và ấp ủ sự báo thù người Mỹ.
Về phía mình, người Mỹ cũng nhanh chóng gây sức ép với đồng minh Saudi Arabia để tước quyền công dân của bin Laden năm 1994, buộc nhân vật này phải chạy sang Sudan.
Đầu năm 1998, Osama bin Laden tuyên bố các hoạt động tấn công người Mỹ và các đồng minh là một nhiệm vụ của tín đồ đạo Hồi và không lâu sau đó là hai vụ đánh bom nhằm vào sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania.
Mục tiêu của bin Laden không chỉ đơn giản là đánh đổ Mỹ, mà là biến cuộc chiến của Mỹ thành một cuộc chiến tranh chống lại đạo Hồi, hay ít nhất cũng tạo ra ấn tượng như thể Mỹ đang đàn áp Hồi giáo.
Từ đồng minh đến kẻ thù
“Từng là đồng minh của Washington trong Chiến tranh Lạnh, bin Laden thừa hiểu cuộc tấn công khủng bố 11/9 chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc “chiến tranh chống khủng bố”, mà điều này chỉ càng làm cho phong trào của nhân vật này mạnh hơn”, nhà phân tích Mark Weisbrot nhận định. Đây hẳn là một âm mưu rất thâm độc của Osama bin Laden.
Toà tháp đôi ở Mỹ bị phá huỷ trong vụ tấn công ngày 11/9/2001. |
Sau những thiệt hại khủng khiếp bin Laden gây ra cho nước Mỹ, trùm khủng bố này trở thành mục tiêu săn lùng hàng đầu của Hoa Kỳ suốt nhiều năm.
Sau cả chục năm huy động các nguồn lực tình báo và công nghệ vũ khí, Mỹ mới hoàn tất điệp vụ tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda.
Tháng 5/2011, Osama bin Laden bị tiêu diệt trong một tòa nhà, nằm bên ngoài Thủ đô Islamabad của Pakistan.
Thông tin bin Laden bị tiêu diệt được Tổng thống Mỹ khi đó, ông Obama xác nhận đã khiến nhiều người dân nước này vui mừng. Cựu Tổng thống George Bush mô tả việc tiêu diệt được bin Laden là một “thành tựu trọng yếu”.
Người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống Bill Clinton thì tuyên bố: “Đây là khoảnh khắc cực kỳ quan trọng không chỉ cho gia đình những người mất thân nhân trong vụ 11/9 và các vụ tấn công khác của al-Qaeda, mà còn cho người dân trên toàn thế giới, những người muốn xây dựng một tương lai chung hòa bình, tự do và hợp tác cho những đứa trẻ của chúng ta”.
Vũ Thu Hương