Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Alice Roosevelt: ‘Tiểu thư lập dị nhất Nhà Trắng’

(DS&PL) -

Alice Roosevelt Longworth được nhìn nhận như ‘tiểu thư lập dị nhất Nhà Trắng’, với ý chí mạnh mẽ và bộc trực như cha đẻ – cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt.

Alice Roosevelt Longworth được nhìn nhận như ‘tiểu thư lập dị nhất Nhà Trắng’, với ý chí mạnh mẽ và bộc trực như cha đẻ – cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt.

Alice Roosevelt là con gái của cựu Tổng thống Theodore Roosevelt. Ảnh: Getty

Alice Roosevelt Longworth là người con đầu tiên của cựu Tổng thống Theodore Roosevelt (thường được công chúng gọi là Teddy). Alice là cô tiểu thư “lập dị” nhất từng sống ở Nhà Trắng. Bà từng trèo lên lóc Nhà Trắng, đeo một con rắn sọc làm phụ kiện…nhưng đồng thời, bà cũng là một trong những người tiên phong của phong trào Phụ nữ Mới đầu những năm 1900. Bản tính độc lập và tự do của bà đã thổi sức sống mới, xây dựng ý tưởng về người phụ nữ trẻ mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 20.

Bản thân bà đã tham gia vào cả phong trào quyền bầu cử và cuộc cách mạng tình dục khoảng nửa thế kỷ sau. Thật vậy, trong suốt gần 100 năm sống trên đời, Alice Roosevelt Longworth là một trong những gương mặt đại diện cho thế hệ phụ nữ Mỹ hiện đại.

Đứa trẻ cô đơn nhất của Theodore Roosevelt

Alice là con gái duy nhất của cựu Tổng thống Roosevelt và người vợ đầu tiên Alice Hathaway Lee, người mà ông yêu thương đến tuyệt vọng. Bà Hathaway qua đời chỉ 2 ngày sau khi sinh ra bé Alice vì suy thận, đúng vào ngày Valentine năm 1884 - kỷ niệm 4 năm ngày đính hôn của hai vợ chồng.

Theodore Roosevelt, lúc ấy mới 25 tuổi đã quá đau khổ trước sự ra đi đột ngột của vợ nên ông không muốn nhắc đến tên Alice và quyết định gọi con gái là "bé Lee". Ông cũng yêu cầu mọi người xung quanh làm tương tự.

Sau những mất mát lớn lao như vậy, những năm đầu đời của bé Alice trải qua trong đơn độc. Ông Roosevelt đã chuyển đến trang trại của mình ở Badlands, Bắc Dakota và để lại con gái cho người chị gái Anna ở New York nuôi nấng. Khi đi xa, Teddy đã trải qua những ngày tháng tuyệt vọng tìm cách vượt qua nỗi đau. Ông từng đánh một tay súng trong quán rượu, mặc dù vẫn viết thư cho con gái và nghĩ về cô bé mỗi ngày. Trong khi đó, “bé Lee” vẫn ở New York cùng với dì Anna, người có ảnh hưởng rất lớn đến bản tính mạnh mẽ và độc lập của bà sau này.

Khi Teddy trở về từ chuyến đi năm 1886, ông kết hôn với người yêu thời trung học của mình là Edith Carow. Gia đình mới chuyển đến Oyster Bay, Long Island và hai người có thêm 5 đứa trẻ. Tuy nhiên, căng thẳng nhanh chóng hình thành giữa người vợ mới và cô con gái lớn.

Bà Carow vô cùng ghen tị với mối quan hệ trong quá khứ của chồng với người vợ trước nên đã trút những bất an và thất vọng vào Alice. Thậm chí, người mẹ kế có lần đã nói với Alice rằng nếu mẹ cô còn sống, bà hẳn sẽ làm chồng "phát ngán". Cùng lúc, Theodore ngày càng xa cách con gái. Alice tức giận vì cha không gọi tên mình, tin rằng ông thích những đứa con cùng cha khác mẹ hơn.

Sau này, Alice Roosevelt trở nên độc lập và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bà Carow không thể kiểm soát cô gái trẻ và cầu xin chồng hãy gửi Alice đến trường nội trú ở thành phố New York. Cô con gái trả lời cha bằng cách viết: “Nếu bố gửi con đi, con sẽ làm bố bẽ mặt. Con sẽ làm một cái gì đó khiến bố xấu hổ. Con chắc chắn rằng con sẽ làm thế”. Người làm cha sau đó đã mủi lòng và giữ con gái ở lại, tuy nhiên, Alice vẫn có thói quen chạy nhảy, chơi đùa trên đường phố với những cậu bé trong thị trấn và cuối cùng Teddy đành gửi Alice trở lại cho dì Anna.

Gia đình Roosevelt (Alice là chị cả, thứ 3 từ trái sang). Ảnh: Getty

Công chúa lập dị

Thời trẻ, Alice Roosevelt có thái độ chống lại hôn nhân. Cô không tin tưởng đàn ông, rất cứng đầu và tự coi mình là một người phụ nữ đơn độc. Nhưng tính cách mạnh mẽ và lối sống gây sốc sau đó của cô đã khiến cô thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí.

Bản thân Teddy cũng cảm thấy xấu hổ về hành vi của con gái mình và hai người luôn mâu thuẫn với nhau về quỹ đạo của cuộc đời cô khi cô luôn đối lập với những quy chuẩn cho phụ nữ vào thời kỳ đó. Theodore Roosevelt nhậm chức Tổng thống năm 1901, và ngay sau đó, Alice trở thành một trong những người nổi tiếng đầu tiên và lớn nhất của thế kỷ 20.

Cô có biệt danh là Công chúa Alice, nổi tiếng với sự xinh đẹp, thời thượng nhưng tai tiếng. Mỗi lần cô bị phát hiện hẹn hò với người đàn ông nào, mọi người đều suy đoán rằng cô sẽ cưới anh ta. Trên thực tế, tất cả những hành vi táo bạo của cô đều được giới truyền thông ghi lại. Alice là cô tiểu thư đầu tiên của Nhà Trắng lái xe tới hơn 60 km/h, hút thuốc công khai và thường xuyên trèo trên nóc Nhà Trắng, nhai kẹo cao su, chơi bài, mặc quần dài, tiệc tùng thâu đêm và ngủ đến trưa.

Alice luôn mang theo một con dao găm, nuôi rắn như thú cưng và đặt tên là Emily Spinach. Thậm chí, “Công chúa Mỹ” còn không ngần ngại gọi điện cho giới truyền thông, sẵn sàng tiết lộ về bản thân để lấy tiền thưởng. Tờ New York Herald đã in một số điểm đặc điểm về cuộc sống xã hội của Alice trong suốt thời gian 15 tháng, bao gồm: 407 bữa tối, 350 quả bóng, 300 bữa tiệc, 680 tiệc trà và 1.706 cuộc gọi.

Sau này, Alice từng trả lời phỏng vấn về những năm tháng ngỗ nghịch của mình: “Thỉnh thoảng, tôi phải thừa nhận rằng cảm giác phá luật đã giữ lấy bản thân tôi. Tôi là một người theo chủ nghĩa khoái lạc. Tôi cần được giải trí”.

Tuy vậy, Alice lại rất hứng thú với chính trị và cô đã trở thành cố vấn không chính thức cho cha mình. Cô thường xuyên cắt ngang các cuộc họp ở Phòng Bầu dục để nêu ý kiến cá nhân, đến nỗi Theodore dọa ném con "ra ngoài cửa sổ". Khi được hỏi rằng chẳng lẽ một Tổng thống Mỹ lại không thể kiểm soát con gái hay sao, Theodore Roosevelt trả lời: “Tôi có thể điều hành đất nước, hoặc kiểm soát Alice. Tôi không thể làm cả hai”.

Mặc dù vậy, nhiều phụ nữ trẻ vẫn xem Alice Roosevelt là tương lai của phụ nữ Mỹ.  họ cổ vũ mỗi khi thấy Alice đi trên đường và áp sát vào chiếc xe như thể Công chúa là là một siêu sao trên thảm đỏ.

Alice Roosevelt là một người phụ nữ thời thượng, mạnh mẽ, thường xuyên phá luật. Ảnh: Getty

Tình yêu và bi kịch gia đình

Năm 1905, Alice được giao nhiệm vụ sang Trung Quốc, Philippines, Triều Tiên và Nhật Bản với tư cách đại sứ thiện chí. Alice đã gặp người chồng tương lai của mình, nghị sĩ Nicholas Longworth trong chuyến đi này. Ông Longworth cũng là một người giàu có và là nhân vật quan trọng trong chính phủ Mỹ lúc bấy giờ.

Hai người kết hôn với nhau vào năm 1906. Tại đám cưới, Alice Roosevelt Longworth đã cắt chiếc bánh cưới bằng một thanh kiếm. Những năm đầu, hai người chủ yếu sống trong những cuộc vui chơi. Tuy nhiên, dần dần hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau và Alice bị cho là đã ngoại tình nhiều lần, dù vẫn giữ quan hệ với chồng cho tới khi ông qua đời vào năm 1931.

Tin đồn cho rằng Alice đã qua lại với thượng nghị sĩ William Borah vào những năm 1920, và sinh ra người con gái duy nhất vào năm 1925. Thế nhưng, Paulina - con gái của Alice sau này phải vật lộn với chứng trầm cảm và nghiện ma tuý, qua đời khi mới 22 tuổi, để lại một cô con gái nhỏ.

Những năm cuối đời và di sản

Bà Alice khi về già. Ảnh: Getty

Trong những năm cuối đời, Alice Roosevelt Longworth nổi tiếng với cách cư xử nóng nảy và hay cáu gắt. Bà vẫn hoạt động chính trị và phục vụ trong một ủy ban chuyên trách giữ trung lập của Mỹ trong Thế chiến II (cho đến trận Trân Châu Cảng) và thẳng thắn nói lên ý kiến ​​của mình về các vấn đề quan trọng của quốc gia. Bà cũng là bạn thân của nhà Nixon và nhà Johnson.

Tuy nhiên, em họ của bà là Eleanor Roosevelt nhớ lại rằng Alice Roosevelt Longworth đã sống một cuộc đời luôn theo đuổi niềm vui và sự phấn khích nhưng trên thực tế, bà ít khi cảm thấy thực sự hạnh phúc.

Sau khi trải qua phẫu thuật vì ung thư vú và các vấn đề sức khỏe trong suốt thập niên 80, bà qua đời ở tuổi 96 vào ngày 20/2/1980.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Allthatsinteresting)

Tin nổi bật