(ĐSPL) - Mua vé tàu thanh toán tưởng chừng rất khó, bởi nhà ga yêu cầu phải có công văn của cơ quan, đơn vị mới có thể xuất vé, thế nhưng, chỉ cần đảo quanh phía ngoài nhà ga, bắt mối với “cò” là có thể lo trót lọt. Đặc biệt, tên tuổi, số chứng minh nhân dân… đều có thể đảm bảo chính xác 100\%...
Sau một ngày là có
Theo quy định của ngành đường sắt, nếu khách muốn thanh toán công tác phí bằng vé tàu phải có hoá đơn kèm theo khi mua vé. Do đó, khi mua vé, khách sẽ phải yêu cầu nhân viên bán vé xuất hóa đơn cho mình. Trong trường hợp khách hàng mua vé nhưng đã để qua tháng cũng sẽ không xuất được hóa đơn. Ví dụ, nếu mua vé ngày mùng 1 nhưng yêu cầu xuất hóa đơn ngày 29 của tháng đó thì được, còn nếu yêu cầu xuất hóa đơn là ngày mùng 1 của tháng kế tiếp sẽ không được chấp nhận.
Thế nhưng, điều tưởng chừng khá khó khăn ấy vẫn được các “cò”, “phe vé” thực hiện một cách êm xuôi. Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế tại khu vực xung quanh Ga Sài Gòn (quận 3, TP.HCM), PV báo ĐS&PL quan sát thấy có nhiều đối tượng “cò” vé vẫn hoạt động hết sức ngang nhiên. Vẫn những lời chèo kéo “vé tàu đi em”, “mua vé đi tàu nè” hay kiểu “cần vé gì”... không khó để nhận ra những đối tượng này. Đa phần đều là phụ nữ, trạc trung niên. Họ ngồi ngay ranh giới (lòng đường, vỉa hè) giữa phần đất của Ga Sài Gòn và đường Nguyễn Phúc Nguyên để hành nghề.
Để tìm hiểu rõ các đối tượng này hoạt động như thế nào, trong vai một hành khách cần vé tàu để thanh toán, PV tìm đến trước cửa nhà ga. Dừng xe phía cổng ra của ga Sài Gòn, PV thấy ba người đang nói chuyện. Vừa dừng lại cũng là lúc một người phụ nữ trạc 50 tuổi hỏi ngay “cần vé tàu hả em” và giới thiệu một tràng vê dịch vụ của mình. “Cò” vé này cho biết: “Ngày trước, lấy vé tàu thanh toán chỉ cần khớp ngày là được, còn bây giờ thì không thể, vì trên vé tàu có in tên, CMND, ngày tháng năm sinh của khách hàng với lịch trình cụ thể, thậm chí cả ngày đi, giờ đi tàu. Do đó, nếu cần lấy vé, phải cho biết những thông tin đó mới xuất vé được”.
Để làm tin, “cò” vé này mở cốp xe lấy ra một tập vé tàu đã làm rồi cho PV xem. “Đây nè, người ta đang nhờ chị làm ca đống mà chưa lấy đây. Họ cung cấp ca công lệnh đi đường nữa để tụi chị dễ xuất vé và cho khỏi sai với ngày, tên khách đi”.
Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi đã cung cấp thông tin về lịch trình Sài Gòn đi Thanh Hóa ngày 10/7 và ngược lại, tư Thanh Hóa đi Sài Gòn ngày 17/7 cho “cò” vé này để mua vé. ‘Cò” này cho biết: “Giá vé là 200 ngàn đồng/cặp, loại ngồi mềm điều hòa. Giường nằm điều hòa cũng có giá này em nhé”.
Sau khi trả tiền, PV được hẹn đến 8h sáng hôm sau sẽ có vé. Sau này, người phụ nữ cho biết tên là Gái và cho PV số điện thoại khi cần để liên hệ lấy vé. “Lần đầu mới thì phải trả tiền trước, chứ lần sau quen rồi, cần loại vé nào, em cứ nhắn tin lịch trình, tên khách đi tàu và CMND của họ là được. Khi nào có vé, chị sẽ điện em ra lấy cho tiện, khỏi mất công đi lại nữa”, “cò” Gái nói.
Thẻ lên tàu cùng hóa đơn được “những bàn tay ma thuật” làm nên, dù theo quy định, thời hạn để xuất hóa đơn đã quá hạn. |
Tương tự, PV tiếp cận được “cò” Thủy cũng quảng cáo là có thể lấy vé, tuy nhiên phải cung cấp thông tin hành khách, CMND, tên công ty mới xuất vé được. Theo “cò” Thủy, giờ đã khác so với cách đây vài năm, khi nhân viên xuất vé phải có thông tin khách, số CMND. Để thử, PV đã đặt một cặp vé đi từ Sài Gòn đến Vinh ngày 6/7 và ngày từ Vinh về Sài Gòn là 10/7. Đúng hẹn, ngày hôm sau, cò Thủy gọi điện cho PV ra lấy vé.
Theo đó, cò” Thủy xuất cho PV 2 thẻ lên tàu (chặng đi và về) với lịch trình đúng như PV đã cung cấp trước đó. Kèm theo đó là 2 hóa đơn giá trị gia tăng, do công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (có địa chỉ tại 136 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) xuất. 2 hóa đơn này đúng lịch trình, đúng tên và đặc biệt là đúng mã vé. Tổng cộng hai vé này, theo hóa đơn xuất ra có trị giá xấp xỉ 1,9 triệu đồng. Thực chất, PV chỉ trả có 300 ngàn đồng cho 2 thẻ lên tàu cũng như hai hóa đơn này.
Có bàn tay của “chân trong”
Trở lại với giao dịch giữa PV với người phụ nữ tên Gái, sau khi nộp tiền, PV thắc mắc vì sao ngày hôm sau mới có vé, “cò” này cho biết, phải đưa thông tin cho người trong ga để họ sắp xếp, xuất vé. “Cò” Gái nói: “Vì họ phải xuất vé sau giờ làm việc, nên ngày mai mới giao cho em được. Em yên tâm đi, chỗ chị làm ăn lâu năm rồi, với lại trong đó toàn là người quen. Mà họ cũng có phần trong đó nên khỏi lo chuyện chị lừa em. Chị đã nói là có vé, lần sau có gì ra ủng hộ chị nhé. Em có số chị rồi, có gì cứ gọi cho chị”.
Tương tự một “cò” khác cũng nói: “Trong đó đã có người lo rồi. Tuy nhiên, xuất vé liền là không được, vì phải đến cuối giờ họ mới có thể xuất vé cho mình. Thôi, dù sao cũng cần vé thanh toán mà, mai lấy cũng được, có sao đâu mà lo”. Một điều hết sức ngạc nhiên là khi yêu cầu xuất vé, dù thời điểm đã quá hạn theo quy định về việc xuất hóa đơn nhưng các đối tượng này vẫn làm được “ngon lành”. Cụ thể, vé tàu mà PV cố tình yêu cầu là thời điểm từ 6/7 đến 10/7, nghĩa là đến thời điểm yêu cầu (12/8) cách hơn một tháng.
Thực tế, để thử mua vé tàu về thanh toán theo đúng quy định, PV vào quầy bán vé hỏi thì được nhân viên ở đây trả lời: “Khi mua vé nhân viên sẽ hỏi là có muốn xuất hóa đơn hay không rồi chứ”. Khi được PV trả lời bây giờ mới cần, nhân viên này cho biết thêm, nếu mua về thanh toán thì phải có công văn của cơ quan, đơn vị, còn không thì không thể xuất vé thanh toán được. Hơn nữa, nếu mua thì phải là trong tháng đó mới xuất hóa đơn được, còn quá rồi thì thôi, không thể xuất hóa đơn.
Liên quan đến vấn đề này, PV đã liên hệ với ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn. Ông Văn cho biết, hiện chưa thể trả lời cụ thể thông tin về các trường hợp nêu trên và yêu cầu PV cung cấp vé đã mua, để biết được loại vé đó thật hay giả. “Nếu là vé thật có thể truy xuất được tên nhân viên bán vé vì khi bán vé đều có lưu lại thông tin, mã số vé... Tôi cũng mong nhà báo vào cuộc làm đến nơi vấn đề này”, ông Văn nói.
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM (đề nghị giấu tên) cho rằng: Nếu các đối tượng có thể kết hợp với nhân viên ngành đường sắt để xuất hóa đơn giá trị giá tăng (thật) như PV nêu sẽ là một điều hết sức nguy hiểm, vì khi đó, ngân sách sẽ bị rút ruột thông qua những hóa đơn “ma” này. Ngành đường sắt và cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, làm rõ vấn đề này.
Sẽ kiểm tra hồ sơ PV cung cấp Tại buổi làm việc với chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, khi PV gửi toàn bộ thẻ lên tàu, hóa đơn giá trị gia tăng cho ông Đỗ Quang Văn và báo lại theo yêu cầu thì ông Văn cho biết: “Hiện giờ tôi đang bận họp, nhưng đã nhận được toàn bộ thông tin. Tôi sẽ cho kiểm tra và làm việc với PV sau”. Báo ĐS&PL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. |
CHÍ THANH
[mecloud]nCghE2vtou[/mecloud]