Công dụng của rau mồng tơi
Mồng tơi có nhiều chất nhờn, lá mọc xen kẽ. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng rau mồng tơi cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể như natri, lipid, kali, chất xơ, carbohydrate, protein, canxi, sắt. Nhiều vitamin trong lá mồng tơi như vitamin A, B6, B12, C, D.
Thành phần beta sitosterol trong rau này có tác dụng kháng ung thư, ngăn ngừa quá trình oxy hóa. Vì vậy, ăn rau mồng tơi thường xuyên giúp phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa. Một ngày, bạn chỉ cần ăn 1 bát nhỏ rau mồng tơi nấu chín đã cung cấp hàm lượng vitamin A và sắt đủ cho nhu cầu của cơ thể.
Còn trong Đông y, rau mồng tơi có tính hàn, vị chua, không độc, tác dụng vào kinh tâm, tì, can, đại tràng, tá tràng, giúp lợi tiểu, tán nhiệt, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt.
Công dụng của rau mồng tơi
Người Việt dùng rau mồng tơi nấu canh, ít dùng làm thuốc. Tuy nhiên, tại Indonexia, Ấn Độ, Bangladesh, người dân lấy rau mồng tơi chữa táo bón, trị chứng thiếu máu, chống viêm, bệnh đường ruột. Quả mồng tơi chín được sử dụng làm màu thực phẩm.
Bạn có thể sử dụng loại rau này trong các trường hợp cần làm lành vết thương, tốt cho xương khớp, nước cốt từ rau mùng tơi có thể làm mau lành vết bỏng, hầm mùng tơi với chân giò giúp trị đau nhức xương khớp.
Người táo bón lấy 500g mồng tơi nấu canh ăn thường xuyên. Đặc biệt, phụ nữ mang thai thường xuyên bị táo bón có thể sử dụng cây mồng tơi thay thế cho các loại thuốc nhuận tràng có hại. Thành phần trong rau mồng tơi thúc đẩy tiêu hóa bằng cách bổ sung chất nhầy và chất xơ hòa tan, tạo điều kiện, giảm tình trạng táo bón.
Mồng tơi còn hỗ trợ chứng thiếu máu, say nắng nóng. Vì vậy, mùa hè thêm bát canh mồng tơi trong thực đơn hằng ngày giúp bạn cảm thấy ăn ngon hơn, thanh nhiệt. Lá mồng tơi còn hỗ trợ chữa bỏng nhẹ, làm đẹp.
Những ai không nên ăn mồng tơi?
Những ai không nên ăn mồng tơi?
Rau mồng tơi rất tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Bài viết của BS. Nguyễn Hoài Thu - Chuyên khoa Dinh dưỡng trên Báo Sức khỏe & Đời sống đã chỉ ra 5 nhóm người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn rau mồng tơi:
Những người hấp thu kém không nên ăn rau mồng tơi bởi mồng tơi chứa hàm lượng cao axít oxalic (một loại chất hóa học liên kết với sắt và canxi) khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.
Những người mới lấy cao răng không nên ăn mồng tơi trong 1-2 tuần bởi rau mồng tơi dễ tạo mảng ố bám trên răng do axit oxalic trong rau mồng tơi không hòa tan trong nước
Người bị sỏi thận không nên ăn rau mồng tơi bởi rau mồng tơi chứa nhiều purin. Hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axít uric làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Các axit oxalic trong rau mồng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển.
Người đau dạ dày không nên ăn nhiều rau mồng tơi bởi hàm lượng chất xơ lớn trong rau mồng tơi có thể khiến dạ dày khó chịu khi ăn nhiều.
Người đang bị tiêu chảy không nên ăn mặc dù mồng tơi có thể giúp nhuận tràng, cải thiện tình trạng táo bón nhưng nếu ăn quá nhiều mồng tơi có thể dẫn tới tiêu chảy.