Hơn một năm xuất hiện đại dịch Covid-19 gây nhiều xáo trộn và thiệt hại khôn lường trong đời sống và tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng như thế giới, tại thời điểm đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục gánh chịu những tổn thất lớn từ đợt bùng phát dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương,… đe dọa nghiêm trọng về phát triển kinh tế, xã hội đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Tiếp tục duy trì cuộc sống trong trạng thái bình thường mới, với quyết tâm chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, trong hơn một năm qua, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến bất thường.
Không để ai đơn độc trong cuộc chiến chống Covid-19
Với tinh thần vừa ứng phó với diễn biến dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp hỗ trợ khách hàng, Agribank đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng những hành động, giải pháp cụ thể như kịp thời thực hiện nghiêm túc hiệu quả Chỉ thị 02/CT-NHNN và Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì hoạt động, nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong năm qua, Agribank đã tiên phong 7 lần giảm lãi suất cho vay trong đó có 4 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; 9 lần giảm phí dịch vụ; đồng thời triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%- 2,5% so với trước khi có dịch bệnh Covid-19 để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng.
Nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong hệ thống từ tháng 4/2020, Agribank thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với tất cả khách hàng của Agribank bao gồm pháp nhân và cá nhân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được áp dụng với khách hàng: Giảm, không tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa (bao gồm cả người trực tiếp sản xuất và đơn vị kinh doanh thương mại, xuất khẩu)... nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại; Thiếu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất (bao gồm cả đơn vị xuất khẩu, kinh doanh thương mại và người trực tiếp sản xuất); Sụt giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ trong các lĩnh vực như: Vận tải, kho bãi, giáo dục; dịch vụ du lịch, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí;…; Ngừng/giảm quy mô sản xuất do thiếu lao động bao gồm cả chuyên gia, người quản lý; Khách hàng cá nhân bị nhiễm dịch Covid-19, tạm dừng hoặc mất việc làm do ảnh hưởng Covid-19 kéo dài; Các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đúng hạn của khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Agribank kịp thời triển khai nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội |
Trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Agribank đã kịp thời triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Căn cứ lãi suất cho vay theo quy định hiện hành, Agribank chi nhánh nơi cho vay áp dụng lãi suất đối với các đối tượng đủ điều kiện theo quy định, trong đó các đối tượng ưu tiên, khoản vay có tài sản bảo đảm, khách hàng không thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm nhiều hơn. Mức lãi suất cho vay ưu đãi cho các đối tượng còn lại (bao gồm cả các đối tượng ưu tiên không được đánh giá có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh khi vay ngắn hạn) giảm tối đa 2%/năm (riêng DNNVV giảm tối đa 2,5%/năm); lãi suất cho vay tối đa 9%/năm. Đồng thời, mức Trụ sở chính hỗ trợ cho chi nhánh tối đa 2%/năm (riêng DNNVV tối đa 2,5%/năm), tương ứng với mức lãi suất thấp hơn 8%/năm.
Ngoài ra, đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn, Agribank thiết kế chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lên tới 35.000 tỷ đồng. Thời hạn cho vay cũng khá đa dạng cả ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VND, giúp cho DN có nhiều lựa chọn. Mức lãi suất rất ưu đãi chỉ tối thiểu 3,7%/năm áp dụng tùy theo từng kỳ hạn đối với cho vay ngắn hạn và tối thiểu 7%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Với khách hàng DNNVV, Agribank cũng dành gói tín dụng ưu đãi với quy mô tương đối lớn 30.000 tỷ đồng. Thời hạn cho vay cũng giống như DN lớn cả ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VND. Lãi suất của gói tín dụng này chỉ là 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.
Không chỉ có doanh nghiệp nội địa, Agribank còn đưa ra gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI với quy mô 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD. Thời hạn cho vay ngắn hạn và loại tiền được vay gồm có cả VND và USD. Mức lãi suất cho vay tối đa 4,8%/năm đối với cho vay xuất khẩu và tối đa 6,5% (đối với cho vay nhập khẩu hoặc sản xuất kinh doanh trong nước. Còn vay bằng USD, thời gian cho vay tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày giải ngân đối với từng giấy nhận nợ bằng USD phát sinh từ nay đến hết ngày 30/9/2021, với mức lãi suất cho vay tối thiểu 2,5%/năm.
Bằng việc đồng loạt tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng DN, Agribank thể hiện quyết tâm trong điều kiện khó khăn vẫn luôn sẵn sàng, chủ động nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng, doanh nghiệp…vẫn được tiếp cận và vay vốn từ Agribank để phục hồi và sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, để đông đảo khách hàng nắm bắt được thông tin về các gói tín dụng ưu đãi này và tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, Agribank đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, công bố công khai trên trang điện tử của Agribank và các biện pháp truyền thông phù hợp khác nhằm thông tin rộng rãi đến khách hàng.
Sẵn sàng đồng hành, sẻ chia
Với diễn biến kéo dài trong cả năm 2020 sang năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện tới nền kinh tế và đời sống của nhân dân, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng cũng như Agribank, tăng trưởng tín dụng thấp do nhu cầu vay vốn của khách hàng suy giảm, dẫn đến nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro tăng, công tác thu hồi nợ sau xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, Agribank vẫn tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng trưởng huy động vốn phù hợp với cân đối vốn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, tiết giảm chi phí để tạo tiền đề khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tính từ thời điểm dịch bệnh xảy ra đến nay, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ trên 33.000 tỷ đồng; Miễn, giảm lãi trên 5.000 tỷ đồng; Hạ lãi suất đối với hơn 33.000 tỷ đồng dư nợ; Cho vay mới với doanh số gần 120.000 tỷ đồng, trong đó cho vay theo chương trình ưu đãi lãi suất đạt hơn 74.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngay từ những ngày đầu hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Ủy ban TWMTTQ Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, toàn hệ thống Agribank đã ủng hộ 23 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay trong tháng 2/2021 khi đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại cũng là thời điểm Tết nguyên đán Tân Sửu cận kề, Agribank đã kịp thời ủng hộ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bao gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai với số tiền trên 5 tỷ đồng. Nhằm giải quyết thực trạng hàng nghìn tấn nông sản của bà con nông dân các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đến kỳ thu hoạch đang bị ứ đọng do khó khăn, vướng mắc trong khâu tiêu thụ, xuất khẩu… Agribank với sứ mệnh vì “Tam nông”, luôn sẵn sàng đồng hành, sẻ chia cùng người nông dân, đã tích cực phối hợp cùng chính quyền, Hội Nông dân các địa phương tổ chức thu mua nông sản từ các hộ nông dân, trung chuyển, tiêu thu hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi sản xuất.
Agribank đồng hành cùng khách hàng và nhân dân tỉnh Hải Dương giữa tâm dịch Covid-19 |
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Agribank ý thức việc đảm bảo an toàn cho cán bộ, người lao động và khách hàng đến giao dịch cũng như hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả là nhiệm vụ hàng đầu. Vì vậy, Agribank thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình dịch bệnh cũng như thiệt hại của khách hàng tại các đơn vị trực thuộc để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; đồng thời thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch cho cán bộ, nhân viên và khách hàng; sẵn sàng giải cứu, hỗ trợ người dân, khách hàng vượt qua khó khăn, với quyết tâm cả nước cùng chung tay sớm chiến thắng dịch Covid-19. Tại các địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Agribank vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp nông dân tại địa phương sớm vượt qua khó khăn và có điều kiện để tái sản xuất sau này. Với từng trường hợp cụ thể, Agribank sẽ quyết định giãn thời gian đóng lãi, giảm lãi suất theo quy định, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi để kịp thời khắc phục những thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Hàng tấn nông sản ứ đọng khi đến kỳ thu hoạch của bà con nông dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được Agribank chung tay "giải cứu" |
Trong khó khăn, vai trò “bà đỡ” của Agribank càng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Sự đồng hành, chia sẻ của Agribank với người dân và khách hàng giữa tâm dịch chính là nguồn lực to lớn giúp khách hàng, cộng đồng vững tin vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp lớn với khách hàng và cộng đồng, năm 2021, Agribank xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhằm tích cực thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ là đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục khẳng định uy tín, thương hiệu của NHTM chủ lực trên thị trường "Tam nông" và là một "Ngân hàng vì cộng đồng", xứng đáng với danh hiệu mà Agribank nhiều năm được phong tặng.
Nhật Minh