Vừa qua, việc phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Bắc Ninh đã nâng tổng số địa phương nhiễm dịch trên cả nước tăng lên con số 18.
Theo thông tin mới nhất, đến nay, dịch tả lợn châu Phi DTLCP đã lan ra 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn Nghệ An và Bắc Ninh.
Trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), Bộ Công thương vừa chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức ngay đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá việc triển khai nhiệm vụ của lực lượng QLTT, cũng như phối hợp với các đơn vị kiểm soát, phòng, chống DTLCP ở một số địa bàn, trước hết là ở các địa phương có quy mô và điểm dịch lớn. Cùng với đó, đánh giá cụ thể những nguy cơ từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động xuất khẩu các sản phẩm từ thịt lợn (kể cả thương mại và phi thương mại) vào Việt Nam.
Đàn lợn 35 con của một gia đình ở xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng) chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: VnExpress |
Vừa qua, Ðoàn kiểm tra liên ngành Thành phố Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP ở huyện Chương Mỹ, theo đó yêu cầu huyện Chương Mỹ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân để chủ động ngăn chặn dịch bệnh; trong đó, yêu cầu thực hiện tốt "năm không" (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển động vật bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh, chết; không vứt động vật chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý).
Tại Bắc Ninh, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh, DTLCP đã xuất hiện tại một hộ chăn nuôi ở thôn Công Cối, xã Ðại Lâm, huyện Quế Võ, và hai hộ ở thôn Ðại Lâm, xã Tam Ða, huyện Yên Phong. Cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức tiêu hủy 94 con lợn ốm, chết. Ðồng thời lập các chốt kiểm soát dịch bệnh tại những nơi có dịch, hướng dẫn các hộ có dịch thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chung quanh bằng vôi bột và hóa chất; có cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ gia đình có lợn bệnh bị tiêu hủy theo quy định.
Tính đến ngày 16/3, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xuất hiện thêm hai ổ DTLCP tại bản Nà La A, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu và bản Pom Bẹ, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống DTLCP đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến nơi xảy ra dịch bệnh, chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương thực hiện khoanh vùng ổ dịch, tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn.
Trước đó, trên địa bàn huyện Phú Hòa (Phú Yên) xuất hiện ba ổ dịch lở mồm long móng trên đàn lợn, tại thị trấn Phú Hòa và hai xã Hòa Trị, Hòa Quang Nam. UBND huyện đã yêu cầu các trạm thú y tổ chức tiêu hủy tất cả đàn lợn bị mắc bệnh và thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi theo quy định của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNTNguyễn Xuân Cường, để sớm kiểm soát được dịch bệnh, nhất là trong trường hợp chưa có vắc xin phòng bệnh DTLCP, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn được quy định tại Nghị định số 90/NĐ-CP. Chuyển cơ quan điều tra các trường hợp có dấu hiệu phạm tội theo quy định tại Điều 241 của Bộ Luật hình sự.
Về kinh phí hỗ trợ, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương cho công tác phòng, chống dịch, bao gồm kinh phí hỗ trợ tiêu hủy gia súc và các hoạt động khác. Các đơn vị xây dựng và bố trí kinh phí sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống bệnh, bao gồm chi phí cho công tác lấy mẫu, chẩn đoán xét nghiệm.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao. Nguyên nhân lớn nhất có thể đến từ quốc gia láng giềng Trung Quốc, khi tại khu vực biên giới giữa hai nước, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt người dân qua lại. Cùng với đó là lượng khách du lịch đến từ các quốc gia đã phát hiện bệnh dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hiện vẫn diễn biến phức tạp. Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ với mật độ cao và tình trạng sử dụng thức ăn thừa vẫn diễn ra phổ biến, khiến nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi ngày càng tăng.
Vũ Đậu (T/h)