(ĐSPL) - Vụ ám sát Benazir Bhutto, John F. Kennedy hay Indira Gandhi được cho là những vụ ám sát chính khách gây chấn động thế giới.
Boris Nemtstov
Tối ngày 27/2/2015, lãnh đạo Đảng đối lập Nga Boris Nemtsov đã bị một kẻ lạ mặt bắn 4 phát đạn vào người và thiệt mạng ngay tại khu vực gần điện Kremlin.
Vụ sát hại diễn ra một ngày trước khi chính trị gia đối lập, người đồng thời là cựu phó thủ tướng Nga, dự kiến tổ chức một cuộc tuần hành quy mô lớn ở Moscow, nhằm phản đối chiến tranh ở Ukraine.
Hiện các nhà điều tra đang xem xét 5 động cơ có thể đằng sau vụ ám sát ông Nemtsov, bao gồm cả yếu tố chính trị, khủng hoảng Ukraine, vụ khủng bố Charlie Hebdo và những vấn đề liên quan đến đời tư của ông.
Được biết, lãnh đạo Đảng đối lập Nga Boris Nemtsov, 55 tuổi, từng là Phó Thủ tướng những năm 1990 trong chính phủ Boris Yeltsin. Ông Nemtsov là một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất trong số các phe đối lập ở Nga.
Benazir Bhutto
Bà Benazir Bhutto, cựu Thủ tướng và là ứng cử viên tranh cử trong cuộc cuộc bầu cử được ấn định tháng 1/2008 của Pakistan, đã bị ám sát ngày 27/12/2007 khi đang vận động tranh cử.
Khi đang rời cuộc mít tinh lớn tại Liaquat National Bagh ở Rawalpindi, Benazir Bhutto đã bị một người đàn ông bắn 3 phát và sau đó đã tự sát bằng bom. Người ta tuyên bố bà qua đời vào lúc 18h16 giờ địa phương tại Bệnh viện Đa khoa Rawalpindi. Ít nhất 24 người khác được xác nhận tử vong trong cuộc ám sát này.
Được biết, bà Bhutto từng hai lần làm thủ tướng Pakistan (1988–1990; 1993–1996) và sau đó là lãnh đạo của đảng đối lập Đảng Nhân dân Pakistan.
Indira Gandhi
Indira Gandhi (sinh ngày 19/11/1917, mất ngày 31/10/1984) từng hai lần được bầu làm Thủ tướng Ấn Độ: Từ 19/1/1966 đến 24/3/1977 và được bầu lại từ 14/1/1980 cho đến ngày bị ám sát. Bà là con gái của Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru sau ngày Ấn Độ giành độc lập.
Bà chính là người giúp Ấn Độ thay đổi rất nhiều và góp phần làm thay đổi quốc gia láng giềng Pakistan. Ngoài ra, quốc phòng Ấn Độ còn đạt được nhiều thành công trong việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân thời kì bà chèo lái đất nước.
Tuy nhiên, trong những năm cuối đời, Gandhi vướng mắc vào nhiều khó khăn liên quan đến tiểu bang Punjab. Quyết định của bà - đưa quân đội tấn công Đền Vàng, nơi thờ cúng thiêng liêng của người Sikh để tiêu diệt một thủ lĩnh tôn giáo địa phương cực đoan - khiến người Sikh cảm thấy bị xúc phạm.
Ngày 31/10/1984, hai người Sikh thuộc toán cận vệ của Gandhi, Satwant Singh và Beant Singh, đã ám sát bà ngay trong khu vườn của Tư dinh Thủ tướng tại số 1 đường Safdarjung ở thủ đô New Dehli. Khi đó, Gandhi đang dạo bước nói chuyện với diễn viên người Anh Peter Ustinov trong một cuộc phỏng vấn như là một phần của bộ phim tư liệu thực hiện cho truyền hình Ireland. Khi bước qua chiếc cổng nhỏ, bà cúi chào theo phong tục Ấn Satwant và Beant đang đứng gác, hai người liền nổ súng. Gandhi từ trần khi đang trên đường đến bệnh viện.
John F. Kennedy
John Fitzgerald Kennedy (sinh ngày 29/5/1917, mất ngày 22/11/1963) là tổng thống đời thứ 35 của Mỹ. Ông không phải tổng thống đầu tiên của Mỹ qua đời vì bị ám sát, nhưng ông là tổng thống đoản mệnh nhất nước này.
Vụ ám sát diễn ra vào lúc 12h30 ngày 22/11/1963, tại Dallas, tiểu bang Texas, Mỹ. Tổng thống Kennedy đã bị bắn khi cùng đoàn xe đi ngang qua Dealy Plaza. Đi cùng xe với tổng thống có Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy, thống đốc bang Texas John Conally và phu nhân của ông này.
Vào lúc 1 giờ chiều cùng ngày, Tổng thống Kennedy qua đời tại phòng cấp cứu bệnh viện Parkland. Khoảng sau 2 giờ chiều một lát, xác của Kennedy được chở về chuyên cơ Tổng thống Air Force One để về Washington, D.C..
Lee Harvey Oswald, nghi phạm số một, bị bắt không lâu sau vụ ám sát, sau khi giết một cảnh sát. Tuy nhiên, Oswald từ chối lời buộc tội ám sát Tổng thống. Oswald bị Jack Ruby bắn 2 ngày sau đó. Cái chết của vị Tổng thống này vẫn còn là một bí ẩn.
Mahatma Gandhi
Mahatma Gandhi (2/10/1869 – 30/1/1948) là anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ngoài việc được xem là một trong những môn đồ Ấn Độ giáo và những nhà lãnh đạo Ấn Độ vĩ đại nhất, ông còn được nhiều người Ấn tôn kính như một Quốc phụ.
Ngày 30/1/1948, trên đường đến một nơi thờ tụng, Gandhi bị bắn chết bởi Nathuram Godse tại tòa nhà Birla ở New Delhi. Godse là một môn đồ Ấn giáo cực đoan được người đương thời cho là có mối quan hệ với cánh cực hữu của các tổ chức Ấn Độ giáo như Hindu Mahasabha. Tổ chức này cho Gandhi là người chịu trách nhiệm cho việc chính quyền suy nhược vì đã khăng khăng bắt buộc nộp một khoản tiền cho Pakistan.
Godse và người cùng âm mưu là Narayan Apte sau bị đưa ra tòa kết án, và bị xử tử ngày 15/11/ 1949. Vinayak Damodar Savarkar, chủ tịch của Hindu Mahasabha, một nhà cách mạng và môn đồ Ấn giáo cực đoan bị tố cáo là người nắm đầu dây của mưu đồ này, nhưng sau được giải tội vì thiếu bằng chứng.
Abraham Lincoln
Tổng thống thứ 16 của Mỹ là Abraham Lincoln bị ám sát vào ngày 14/4/1865, khi ông đang xem vở kịch Our American Cousin tại Nhà hát Ford khi cuộc nội chiến Mỹ đã sắp kết thúc.
Tối hôm đó, Jonh WilkesBooth - 1 trong những kịch sĩ danh tiếng nhất, đã dùng súng lục bắn từ phía sau vào đầu Lincoln khiến ngài Tổng thống gục xuống ngay lập tức và qua đời vào 7h22 phút sáng ngày 15/4 ở tuổi 56.
Lincoln là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên bị ám sát. Trước đó đã từng xảy ra vụ ám sát tổng tống thứ 7 của Mỹ là Andrew Jackson vào năm 1835 nhưng đã không thành công.