Ngày 12/7, thông tin với PV Đời sống & Pháp luật, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ TNGT, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.665 vụ (+15,58%), giảm 634 người chết (-10,61%), tăng 2.426 người bị thương (+34%).
Có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 6 địa phương giảm trên 30% số người chết là Cà Mau, Lai Châu, Bình Thuận, TP.HCM, Hậu Giang, Long An. Đặc biệt: Cà mau, Lai Châu, Bình Thuận giảm trên 45% số người chết do TNGT.
Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2023, trong đó 9 tỉnh tăng trên 20% (Kon Tum, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Hà Giang, Quảng Trị, Điện Biên, Lào Cai, TT- Huế, Bến Tre), trong đó, có 2 tỉnh có số người chết tăng trên 40% trở lên là TT- Huế và Bến Tre.
Hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng làm 5 người chết, 10 người bị thương ở Lạng Sơn
6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT tiếp tục xử lý vi phạm theo 5 nhóm chuyên đề với trên 2,1 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền 4.052 tỷ đồng, tước 407.703 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 715.459 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2023, xử lý tăng 450.688 trường hợp (+26,74%), tiền phạt tăng 800 tỷ đồng (+24,61%).
Trong đó, có 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (19,85%); 2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (0,11%); 501.009 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (20,19%); 30.762 trường hợp chở hàng quá tải (1,22%)…
Cả nước có 275/295 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 448/547 dây chuyền kiểm định; 6 tháng đầu năm 2024, đã kiểm định hơn 2,8 triệu lượt phương tiện; toàn quốc đăng ký mới đăng ký mới hơn 200 nghìn xe ô tô, hơn 1 triệu xe mô tô, xe máy điện. Nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/6/2024 là hơn 6,5 triệu ô tô, hơn 75,7 triệu mô tô, xe máy điện.
Theo số liệu thống kê và dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong thời gian tới, nhiều khả năng một số địa phương có nguy cơ tái diễn ùn tắc phương tiện đến kiểm định.
Cả nước cũng đã cấp được trên 350.000 GPLX theo hình thức trực tuyến, trung bình 1.300 hồ sơ/ngày.
Uỷ ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự ATGT trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (9 vụ), làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội; Số vụ và số người bị thương do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 15,58% số vụ, tăng 34% số người bị thương); Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố;...
Nguyên nhân được Uỷ ban ATGT Quốc gia nhận định là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, các cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng trong khi công tác quản lý nhà nước tại một số lĩnh vực liên quan tới công tác bảo đảm TTATGT còn bất cập.
Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế do lực lượng mỏng, ứng dụng KHCN còn hạn chế, một số quy định còn chồng chéo; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm TTATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.
Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự ATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen và công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT.
Đối với các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024, Uỷ ban ATGT quốc gia đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, từng lĩnh vực, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Đồng thời, đưa nội dung bảo đảm trật tự ATGT vào cuộc giao ban hàng tháng của các cấp Ủy, HĐND, UBND các cấp để phân tích, kiểm điểm và đề xuất giải pháp hiệu quả trên địa bàn.
Kể từ đầu năm nay đến ngày 15/6, Cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư xử lý 11 "điểm đen" TNGT với tổng kinh phí 40,87 tỷ đồng, 7 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông với tổng kinh phí 31,1 tỷ đồng và 62 điểm nguy cơ mất ATGT với tổng kinh phí 221,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý các bất cập trong tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho người tham gia giao thông.
Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các địa phương đã sửa chữa, bổ sung lắp đặt nhiều biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang; xây dựng gồ, gờ giảm tốc tại 746 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt, đạt 48%.
Ngành đường sắt xuyên đêm sửa chữa, khắc phụ sự cố sà lan va chạm cầu Tam Bạc (Hải Phòng) ngày 6/7
Đến nay, đường sắt còn 3.262 vị trí lối đi tự mở (LĐTM), chiếm tỉ lệ 68% tổng số giao cắt. 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm, xóa bỏ 66 vị trí LĐTM nguy hiểm so với thời điểm 15/12/2023 (đạt 1,98%); Lũy kế 4 năm giảm, xóa bỏ 838 vị trí LĐTM nguy hiểm so với thời điểm 15/12/2020 (đạt 21,7%); Rào thu hẹp LĐTM đạt 1.326/1.771 lối đi đạt 74,87%; Cắm biển cảnh báo “CHÚ Ý TẦU HỎA” 2.943/3.262 lối (đạt 90,22%).
Đồng thời, tổ chức cảnh giới ATGT tại các vị trí nguy hiểm 342/519 vị trí (đạt 65,9%); Lắp đặt điện thoại báo giờ tàu, cung cấp trang bị cờ, đèn, còi cho các điểm cảnh giới của địa phương 109 điểm chốt gác, cảnh giới; Cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại các LĐTM công cộng có chiều rộng ≥ 3m tại 181/750 vị trí (đạt 24,1%); Đã thực hiện lập hồ sơ chi tiết các LĐTM, bàn giao cho các địa phương cùng quản lý và chịu trách nhiệm đảm bảo ATGT theo quy định. Đã rà soát các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao, đề xuất cấp thẩm quyền nâng cấp, cải tạo hoặc đề nghị địa phương cảnh giới ATGT.
Về điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường sắt, trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 4 điểm đen giảm 1 điểm so với thời điểm 31/12/2023, 1010 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt giảm 77 điểm so với thời điểm 31/12/2023.
Các lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không tiếp tục thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng bảo đảm khai thác ổn định, an toàn. Để bảo đảm ATGT hàng hải, các đơn vị chức năng đang triển khai 5 dự án đóng tàu phục vụ công tác tiếp tế, kiểm tra và tìm kiếm cứu nạn; 5 dự án xây dựng đài vệ tinh, đèn biển, đài thông tin, hệ thống quản lý, điều hành. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không năm 2024, với tổng kinh phí 447 tỷ đồng.