Thông thường, Mỹ duy trì khoảng 34.000 binh sĩ tại Trung Đông, thuộc Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ. Con số này đã tăng lên 40.000 người trong những tháng đầu của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, khi Mỹ bổ sung thêm tàu chiến và máy bay.
Tổng số quân đã tăng lên gần 50.000 người khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay được triển khai để đáp ứng căng thẳng leo thang giữa Israel và Lebanon. Sau khi một nhóm tàu sân bay rời đi, số lượng binh sĩ có giảm xuống, nhưng đợt triển khai máy bay gần đây đã đưa tổng số lên khoảng 43.000 người.
43.000 lính Mỹ có mặt tại Trung Đông. Ảnh: Reuters
Gần đây, Lầu Năm Góc đã thông báo về việc bổ sung một số lượng nhỏ quân nhân tại Trung Đông và sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp, bao gồm cả việc sơ tán công dân Mỹ khỏi Lebanon nếu cần thiết.
Sự hiện diện quân sự này nhằm mục đích bảo vệ Israel và đảm bảo an toàn cho nhân sự cũng như tài sản của Mỹ và các đồng minh. Mặc dù các quan chức Mỹ không tiết lộ chi tiết cụ thể nhưng đã nhấn mạnh rằng, các động thái này là một phần trong chiến lược phòng thủ khu vực, đối phó với mọi mối đe dọa tiềm tàng.
Hiện, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đang hoạt động từ đông Địa Trung Hải đến Vịnh Oman, trong khi máy bay chiến đấu của Không quân và Hải quân được triển khai tại nhiều vị trí chiến lược, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với bất kỳ cuộc tấn công nào.
Tình hình căng thẳng leo thang sau các cuộc tấn công gần đây giữa Israel và Lebanon, đặc biệt sau cuộc không kích khiến Hassan Nasrallah – thủ lĩnh Hezbollah được Iran hậu thuẫn, cùng một số chỉ huy cấp cao khác thiệt mạng.
Để trả đũa, Iran đã bắn hơn 180 tên lửa đạn đạo vào Israel. Những sự kiện này cùng với các cuộc tấn công nhắm vào Hamas và lực lượng quân sự Iran trước đó đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin đã ra lệnh nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng quân đội Mỹ, đảm bảo rằng họ có thể phản ứng nhanh trước bất kỳ tình huống khẩn cấp nào. Thiếu tướng Không quân Pat Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã xác nhận thông tin này.
Trong khi đó, ngày 3/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông không tin rằng sẽ có một "cuộc xung đột toàn diện" ở Trung Đông. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, hoàn toàn có thể tránh được một kịch bản tồi tệ như vậy nhưng cần phải nỗ lực hơn nữa.
“Tôi không tin rằng sẽ có một cuộc xung đột toàn diện. Tôi nghĩ chúng ta có thể tránh được điều đó. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi đã và đang giúp đỡ Israel. Chúng tôi sẽ bảo vệ Israel", ông Biden khẳng định.
Ông Biden cho biết Mỹ đang thảo luận với Israel về các phương án đáp trả cuộc tấn công của Tehran, bao gồm cả việc Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran. Trước đó, ngày 2/10, tổng thống Biden cho biết sẽ không ủng hộ bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran.