Theo đó, từ trưa 28/1, tuyến cáp biển Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á) đã gặp sự cố. Tuyến cáp này được xác định là đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore khoảng 130km. Sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore của tuyến cáp Liên Á.
IA được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009 và là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm Asia Pacific Gateway (APG), Asia America Gateway (AAG), AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) và SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3).
Đáng chú ý, thời điểm hiện tại, cùng với việc IA gặp sự cố, có tới 4/5 tuyến cáp biển các nhà mạng Việt Nam khai thác bị lỗi.
Phản ánh từ người dùng cho thấy, trong những ngày gần đây, truy cập Internet rất khó khăn, bị giật lag hoặc thường xuyên bị out ra khỏi ứng dụng.
4/5 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố. (Ảnh: ANTĐ)
Theo chuyên gia, việc cáp quang bị đứt có thể đến từ hoạt động hàng hải khi các tuyến cáp quang thường đặt trên nền cát dưới đáy biển.
Vì vậy, mỏ neo của các tàu, thuyền khi đậu rất dễ vướng phải cáp quang dẫn đến tình trạng hư hỏng. Trong khi đó, mật độ tàu thuyền hoạt động trên biển khi đánh bắt cá hiện nay dày đặc nên nguy cơ này càng tăng lên.
Cũng không ngoại trừ khả năng tuyến này bị ảnh hưởng do các sự động đất, sóng thần, núi lửa,… hoặc cũng có thể do mối hàn ở sự cố lần trước chưa chắc chắn.
Trước đó, vào ngày 26/12/2022 và 21/1/2023 (tức 30 Tết), tuyến cáp APG gặp sự cố trên 2 phân đoạn S6 gần HongKong (Trung Quốc) và S9 hướng kết nối đi Singapore.
Cuối tháng 11/2022, cáp quang biển AAE-1cũng gặp sự cố trên các nhánh S1H.1 hướng HongKong (Trung Quốc) và S1H.3 hướng đi Singapore. Lỗi trên nhánh hướng kết nối đi Singapore đã được sửa xong vào ngày 14/1/2023 còn sự cố trên nhánh cáp kết nối đi HongKong (Trung Quốc) hiện vẫn chưa được khắc phục.
Còn AAG cũng gặp sự cố trong năm ngoái trên cả 2 hướng kết nối đi Singapore và HongKong (Trung Quốc) và đang dần được sửa chữa.
Việt Hương (T/h)