1. Thiếu ngủ
Theo số liệu của Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ, nếu bạn ở trong trạng thái "ngủ không đủ giấc", cortisol sẽ tiết ra nhiều hơn và insulin cũng sẽ tiết ra ít hơn.
Và tác động này đặc biệt rõ ràng ở những người chỉ ngủ 4-6 giờ mỗi đêm, hoặc những người thường không có "giấc ngủ sâu". Giấc ngủ sẽ sửa chữa độ nhạy insulin và đồng thời kiểm soát lượng đường trong máu. Điều đó có nghĩa là thiếu ngủ sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng hơn, vì vậy nó không chỉ làm tăng cảm giác thèm ăn mà còn khiến người ta thèm ăn đường và carbohydrate, kết quả dẫn đến tăng lượng đường huyết.
2. Uống không đủ nước
Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày có rất nhiều lợi ích. Một trong số đó là giảm nguy cơ đường huyết cao. Nếu bạn uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày, bạn sẽ giảm được 21% nguy cơ tăng đường huyết. Nước rất quan trọng đối với các chức năng của gan, thận để thải các chất độc ra ngoài. Nếu cơ thể bạn không được cung cấp đủ nước, các cơ quan sẽ không thể hoạt động bình thường. Kết quả là lượng đường huyết có thể tăng.
Các chuyên gia tin rằng những người thừa cân và thiếu năng lượng sẽ ít được cung cấp nước hơn. Do đó, nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường của họ tăng lên. Tệ hơn nữa, nếu bạn thích đồ uống nhiều đường, bạn sẽ nhận được lượng calo không có giá trị dinh dưỡng. Lượng calo này không làm gì khác ngoài việc nâng cao mức đường huyết của bạn.
3. Uống quá nhiều cà phê
Caffeine có trong cà phê làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể với insulin dẫn đến phá vỡ các quá trình hấp thụ glucose của tế bào và kết quả là hàm lượng đường trong máu tăng lên.
Trong bệnh đái tháo đường tuýp 2, khi cơ thể đã có vấn đề với các phản ứng với insulin và lượng đường trong máu, khả năng cà phê làm giảm sự nhạy cảm với hormone này có thể gây ra các rối loạn nghiêm trọng hơn, làm nặng thêm tình trạng kháng insulin nguy hiểm. Điều này có thể dẫn đến lượng đường trong máu quá cao, theo thời gian có thể làm tăng khả năng biến chứng bệnh tiểu đường, bao gồm tổn thương thần kinh hoặc bệnh tim, hoặc thận…
4. Không bảo vệ cơ thể trước thời tiết khắc nghiệt
Thời tiết quá lạnh hay quá nóng có thể cản trở việc cơ thể kiểm soát insulin. Theo chuyên gia, ở một số người, đường huyết sẽ tăng cao trong những ngày nóng bức. Trong khi với số khác, đặc biệt với những người đang sử dụng insulin, lượng đường trong máu tăng khi trời lạnh.
Các chuyên gia khuyên rằng nên ở trong nhà hoặc bảo vệ cơ thể thật tốt khi ra ngoài trong những ngày thời tiết khắc nghiệt và theo dõi những thay đổi của cơ thể để tránh gặp nguy hiểm khi đường huyết thay đổi.
Linh Chi (T/h)