Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập: Cha mẹ cần chia sẻ nỗi buồn với các con

(DS&PL) -

Sau khi biết điểm thi vào lớp 10 Hà Nội, việc phải đối mặt với nhiều áp lực từ điểm số, kì vọng của cha mẹ, thầy cô,.. khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm.

Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 – 2024 trên toàn thành phố Hà Nội có gần 105.000 thí sinh dự thi. Trong đó, chỉ khoảng 72.000 học sinh được vào trường công lập, đồng nghĩa khoảng 33.000 học sinh còn lại không trúng tuyển.

Chiều 1/7, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 117 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Bên cạnh niềm vui hân hoan, hạnh phúc của nhiều thí sinh đã đỗ được nguyện vọng mong muốn, cũng có không ít thí sinh, phụ huynh rơi vào trạng thái buồn phiền, thất vọng vì không đủ điểm vào các trường công lập.

Muôn hình vạn trạng những phản ứng khi con thi trượt

Trên trang mạng xã hội, nhiều học sinh chia sẻ đã mất ăn, mất ngủ khi nghe tin bản thân đã không đủ điểm vào trường công lập. Các em luôn tự trách bản thân, cảm thấy không có định hướng trong tương lai, buồn bã khi thấy người thân trong gia đình kì vọng không được như mong muốn.

Chia sẻ với PV ĐS&PL, chị Tuyết Mai (Đống Đa, Hà Nội) kể câu chuyện vừa xảy ra tại chính gia đình mình sau khi nghe tin điểm chuẩn vào lớp 10 công lập.

"Do các trường năm nay nâng điểm và tỉ lệ chọi cao nên con tôi không đủ điểm nên trượt cả 2 nguyện vọng vào lớp 10 công lập mặc dù học lực năm lớp 9 cháu cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Xem kết quả con rất buồn và thất vọng, vậy mà bố nó vẫn còn trách mắng, nói nó là "đồ ăn hại", chỉ ăn với học cũng không xong. Thay vì trách móc thì bản thân mình làm cha, làm mẹ nên động viên, tìm môi trường phù hợp với con hơn", chị Mai chia sẻ.

"Khi nghe mọi người mách phải xếp hàng xuyên đêm mới mong nộp được hồ sơ vào trường tư thục, gia đình vội xin nghỉ làm, lao vào "cuộc chiến" giành suất học cho con", chị Mai cho biết thêm.

Học sinh trượt lớp 10 đang phải trải qua những áp lực tồi tệ. Ảnh minh họa

Muôn hình vạn trạng những phản ứng của cha mẹ khi con thi trượt. Có không ít phụ huynh khi con thi trượt đã thể hiện rõ sự thất vọng, mắng mỏ, so sánh con mình không bằng "con nhà người ta", nói ra những lời lẽ có tính sát thương cao, coi con là "đồ ăn hại", "đáng xấu hổ". Thậm chí, vẫn còn những ông bố, bà mẹ dùng đòn roi để "nói chuyện" với con.

Những món quà đắt tiền, những chuyến du lịch đi chơi, nghỉ dưỡng, dự định ăn mừng được lên kế hoạch từ trước của nhiều gia đình đều đã bị hủy bỏ...

Trên những nhóm của phụ huynh vào mùa thi, câu chuyện về hành xử thế nào khi con thi trượt có rất nhiều ý kiến đa chiều.

Có những người cho rằng đứa trẻ khi không cố gắng thì cần phải "chịu trách nhiệm" với hậu quả. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng trường học hay điểm số không quyết định đến tương lai. Thay vào đó là rèn luyện kĩ năng, những trải nghiệm để phục vụ bản thân đối với cuộc sống sau này.

Cứ ngỡ con thi xong thì tâm lý thoải mái, áp lực thi cử sẽ không còn, thế nhưng, với nhiều phụ huynh, thời gian đợi điểm và điểm chuẩn còn "đau tim" hơn nhiều. Chị Thúy Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội), một phụ huynh ở Hà Nội có con trượt vào lớp 10 trường công lập, chia sẻ: "Gia đình cũng buồn, lo và thất vọng, nhưng để tâm lí và cảm xúc cho con tốt hơn thì trước hết mình cần mạnh mẽ, lạc quan. Để con phải thấy trong cuộc đời không có gì là dễ dàng, sẽ còn có rất nhiều lần thất bại".

Chị Hiền cho rằng: "Kỳ thi vào lớp 10 chỉ là sự trải nghiệm đầu đời của trẻ. Vậy nên việc đỗ hay trượt cũng không là vấn đề quá nặng nề. Điều quan trọng để trẻ rút ra được bài học, nếu cố gắng trong cuộc sống bản thân sẽ nhận được gì, còn không nỗ lực thì kết quả sẽ ra sao".

Cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con

Chia sẻ với PV, bạn Tô Nữ Trà Giang, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về sự cố thi trượt của mình: "Hôm biết điểm thi lớp 10 không được như mong đợi, ba mẹ không có lời trách móc, cũng không đem những điều căn dạy dài dòng, theo đó là lời động viên nhắn nhủ con gái phải đứng dậy sau mỗi lần thất bại, hoàn toàn có thể sửa sai nếu biết cách cố gắng".

Thầy Đào Minh Tấn, giáo viên bộ môn Ngữ Văn ở THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết: "Việc bậc phụ huynh nên làm là thông cảm và chia sẻ nỗi buồn với các con. Với các em và gia đình lúc này, điều quan trọng nhất không phải là thi trượt rồi thì buồn chán và đay nghiến lẫn nhau, mà cùng nhau vượt qua, nhìn về phía trước để tìm sự lựa chọn phù hợp nhất.  Nhiều người đề ra điều kiện là con phải vào được trường tuyển , chất lượng cao mới tốt, không vào được là coi như thất bại, là hết cơ hội thành công. Trong khi thực tế: không phải cứ học trường nổi tiếng mới thành công"

"Các trường tư thục hiện nay đều có cơ sở vật chất tốt, hệ thống giảng dạy và trình độ chuyên môn cũng không khác gì công lập. Học sinh công lập và tư thục đều bình đẳng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Do đó, phụ huynh nên có phương án lựa chọn các trường tư thục không phải là quá tệ", thầy Tấn cho biết thêm.

Ở khía cạnh tâm lý, Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Anh Vinh (Phó trưởng khoa sức khỏe, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, áp lực học tập, thi cử là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm, suy sụp.

Vị bác sĩ cũng chia sẻ thêm, cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con, vì điều này vô tình tạo áp lực cho con mình. Thay vào đó, phụ huynh nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đạt ra mục tiêu, chọn trường, lớp phù hợp.

Bên cạnh đó, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con mình để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải tỏa được áp lực về học tập, thi cử.

Trung Dũng

Tin nổi bật